Tập đoàn KIDO dự chi hơn 1.000 tỷ đồng để trả cổ tức đặc biệt

Hồng Vũ

14/02/2023 08:04

Ngày 20/3 tới đây, Công ty CP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt theo tỷ lệ 50%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu được nhận 5.000 đồng. Dự kiến các cổ đông KIDO sẽ nhận được cổ tức vào ngày 6/4/2023.

Theo đó, hiện với hơn 257 triệu cổ phiếu đang lưu hành, KDC dự kiến chi ra khoảng 1.300 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trước đó, vào tháng 4 và 8/2022, KDC cũng đã thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% cho các cổ đông. Tổng mức chi trả cổ tức ở 2 lần nói trên là gần 309 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý 4/2022, KDC ghi nhận doanh thu đạt 2.992,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả lợi nhuận sau thuế của KDC là 4,9 tỷ đồng, giảm đến 97% so với cùng kỳ năm 2021 (165,6 tỷ đồng). Đây được xem là lợi nhuận thấp kỷ lục của KDC trong 5 năm gần đây.

Bên cạnh đó, giá vốn bán hàng của KDC tăng 9% lên 2.664,1 tỷ đồng so với cùng kỳ 2.434 tỷ đồng. Về lợi nhuận gộp của KIDO giảm 53,7% còn 286,7 tỷ đồng so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 9,6% khi con số này cùng kỳ đạt 20,1%.

Điểm sáng kinh doanh của KDC trong quý 4/2022 đến từ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp này có doanh thu từ hoạt động tài chính lên mức 176,8 tỷ đồng (tăng 77,5 lần). Trong khi đó, ở giai đoàn cùng kỳ chỉ đạt 2,3 tỷ đồng.

2657-1-1676336532.jpeg
KDC dự tính chi hơn 1.300 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Chi phí tài chính của KDC cũng ghi nhận tăng vọt khi tăng gấp 2,2 lần lên 125,2 tỷ đồng, mức chi phí này ở cùng kỳ là 56,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30,5 tỷ đồng tương ứng với 28% so với cùng kỳ về 78,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong quý 4, KDC ghi nhận lỗ nặng 110 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 188,9 tỷ đồng, tức giảm 298,9 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, kết quả kinh doanh thiếu hiệu quả trong quý 4 là do tác động của thị trường lên chi phí doanh nghiệp.

Lũy kế năm 2022, KDC có doanh thu cả năm ở mức 12.771,9 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận giảm 42,7% về còn 374,2 tỷ đồng. Năm 2022, mức lợi nhuận trước thuế của KDC là 510,4 tỷ đồng, giảm 25,8% so với 2021.

Như vậy, với mục tiêu tổng doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng, KDC đã hoàn thành 89,42% kế hoạch về doanh thu và 56,7% kế hoạch về lợi nhuận năm 2022.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản KDC đạt 14.035 tỷ đồng, giảm nhẹ 37,7 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 14,2% xuống còn 1.100 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 419 tỷ đồng lên 2.971 tỷ đồng, mức tăng 16,4%...

Trong cơ cấu tài sản KDC, nợ phải trả tính đến hết năm 2022 ở mức 6.983,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn lên đến 4.168,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản vay tín chấp (khoản vay không có tài sản đảm bảo) tại Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh TP.HCM (Vietcombank) có tổng giá trị 1.502,3 tỷ đồng; vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) 844,2 tỷ đồng; vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh TP.HCM (BIDV) 442,8 tỷ đồng; khoản vay Ngân hàng Thương mại Taipei Fubon giá trị 463,6 tỷ đồng; khoản vay 434,7 tỷ đồng tại Ngân hàng Cổ phần Thương mại Quân đội – chi nhánh TP.HCM (MBBank) và khoản vay 231,9 tỷ đồng tại Ngân hàng Malayan Berhad.

Nợ dài hạn của công ty giảm 251,8 tỷ đồng so với cùng kỳ còn 1.529 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ còn 1.606,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KDC đang âm hơn 442 tỷ đồng, cùng kỳ đạt âm 20,8 tỷ đồng.

 

Hồng Vũ