Mất khoảng 5,5 tỷ USD, Hoà Phát ra khỏi top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán

Mai Ngọc

26/07/2022 09:54

Với việc mất gần 128.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD) trong 9 tháng qua đã khiến cho ông lớn ngành thép mất vị thế của mình. Qua đó, bước ra khỏi top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Gần đây, cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (MCK: HPG) giảm 2 phiên liên tiếp qua đó rơi xuống mức 21.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa còn 127.344 tỷ đồng. Từ đó, dẫn đến việc tập đoàn lớn về lĩnh vực thép này bước ra khỏi top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn trên sàn chứng khoán.

Trước đó, Hòa Phát còn ở đỉnh cao và là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank (MCK: VCB), Vingroup (MCK: VIC) và Vinhomes (MCK: VHM).

Sự tụt hạng của Hòa Phát khiến top 10 vốn hóa trên HoSE không còn bóng dáng của ngành công nghiệp nặng. Sân chơi top 10 hiện nay chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp ngành tiêu dùng, dầu khí, thực phẩm. Điển hình là Masan (MCK: MSN), PV Gas (MCK: GAS), Vinamilk (MCK: VNM).

hoa-phat-1658800455.jpeg
Với việc gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cổ phiếu Hoà Phát liên tục sụt giảm đã khiến cho tập đoàn này ra khỏi top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán.

Cổ phiếu của HPG sụt giảm trong bối cảnh bị nhiều yếu tố tác động nên đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong thời gian qua. Cụ thể, trong vài tuần qua, giá thép nội địa đã liên tục giảm.

Tại thị trường thế giới, giá thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm gần 40% trong 4 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. So với đỉnh vào giai đoạn tháng 9-10 năm ngoái, con số này thậm chí còn vượt hơn 50%.

Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Riêng bán hàng thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2021 và chiếm hơn 36% thị phần toàn ngành.

Sản lượng tiêu thụ tăng nhưng do giá thép liên tục đi xuống nên doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ngay tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra cuối tháng 5, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép những tháng tới sẽ "thê thảm".

Hiện Hòa Phát vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép có thể giảm đến 49% trong quý 2 xuống còn 4.979 tỷ đồng bất chấp doanh thu dự phóng tăng 8,5% lên mức 38.120 tỷ đồng.

Mai Ngọc