Mùa xuân ở vùng biên Lao Bảo- Khe Sanh

Đinh Loan

18/02/2024 14:43

Những ngày đầu năm, chúng tôi về vùng biên Lao Bảo-Khe Sanh. Nơi đây ngày một khang trang sạch đẹp với những sắc hoa mai, đào bung nở khắp phố phường. Thị tứ vùng biên chiều đầu năm dịu dàng trong sắc thắm của cây cỏ vào xuân.

Tiềm năng về du lịch

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cách TP. Đông Hà khoảng 80 km, nằm ngay cạnh dòng sông Sepon nối liền hai tỉnh Savannakhet của Lào và huyện Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị. Đối diện với Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo qua đường biên giới là Khu thương mại biên giới Den Savanh của Lào. Đây là hai khu kinh tế - thương mại quan trọng nhất trên tuyến đường quốc lộ 9 của hai nước, góp phần thúc  đẩy kinh tế và đời sống của người dân vùng biên giới. Là điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào – Thái Lan – Myanmar, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có lợi thế để đầu tư phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Lao Bảo đầy nắng gió còn được đến với mảnh đất lịch sử, văn hóa đa dạng, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến với Nhà tù Lao Bảo, Khe Sanh, căn cứ làng Vây, sân bay Tà Cơn….hay đến với con suối La La nước chảy hiền hòa, dòng sông Sê Pôn – biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt – Lào. Với nhiều bản làng dân tộc, nơi hội tụ các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều cùng ngắm cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Tân Độ, hồ Rào Quán, hồ Khe Sanh, hồ công viên Lao Bảo, thác Ồ Ồ...làm cho khách quốc tế và cả nước biết tới Lao Bảo như một điểm du lịch với nhiều loại hình dịch vụ lý tưởng và hấp dẫn.

Sự phát triển của du lịch do khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, các khu trung tâm mua sắm.

z5173200380971-4c486fc18c316b493c17276de065627a-1708331176.jpg
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Quảng Trị.

Trao đổi thương mại thông qua các khu kinh tế cửa khẩu theo đó gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch Quảng Trị. Để có những bước phát triển về du lịch biên giới cửa khẩu, công tác phối hợp quản lý lữ hành, xúc tiến du lịch giữa Quảng Trị và tỉnh Xavanakhet được lãnh đạo hai bên quan tâm. Hai bên duy trì các sản phẩm du lịch như: Tuyến du lịch Lao Bảo - Xavanakhet; tour Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Densavanh (Lào), tour du lịch “1 ngày ăn cơm 3 nước”… Trung tâm kinh tế - thương mại Lao Bảo nhờ đó cũng thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Thị trấn Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị nằm cách TP. Đông Hà khoảng 63 km về phía Tây. Về phía Đông cách cửa khẩu Lao Bảo chừng 20 km. Điểm đặc biệt của địa điểm du lịch Khe Sanh đó là đây là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và trường kỳ.

Đèo Sa Mù cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Khe Sanh Quảng Trị nên đi. Hướng dẫn cách di chuyển tới địa điểm tham quan này đó là du khách sẽ bắt đầu di chuyển từ thị trấn Khe Sanh đi men theo con đường Hồ Chí Minh chừng hơn 30 km là tới chân đèo.

Địa điểm này nổi tiếng có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Đèo Sa Mù được bao phủ bởi mây mù của núi rừng trùng đẹp và đặc biệt ở đây còn trồng rất nhiều loại hoa, không khí trong lành. Khi du khách tới đây sẽ có cảm giác vui tươi, yên bình tới lạ và còn được tham quan những khu nhà kính rực rỡ.

Du lịch Khe Sanh Quảng Trị ghé thăm thác Chênh Vênh du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Dòng thác nước đổ xuống trong xanh hùng vĩ. Dọc men theo những con suối còn rất nhiều điều thú vị khác cho du khách khám phá. 

Giữ vững an ninh kinh tế vùng biên

H­ướng Hóa là huyện miền núi biên giới tiếp giáp với các địa phương của nước bạn Lào. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Hướng Hóa tập trung khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Đó là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Đường 9 anh hùng năm xưa nay là Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối Thái Lan, Myanmar, Lào với miền Trung Việt Nam; phát triển điện gió, du lịch và nông sản là đặc sản của địa phương.

Làm tốt công tác giữ vững an ninh kinh tế quốc gia, Hải quan cửa khẩu Lao Bảo góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Hướng Hóa. Số lượng tờ khai quá cảnh đạt 19.943 tờ, tăng 19,3%; tổng trị giá hàng quá cảnh đạt 7,48 tỷ USD, tăng 9,53%; trọng lượng hàng quá cảnh đạt 3,17 triệu tấn, tăng 9,65% so với năm 2022. Tổng thu NSNN đạt 359,11 tỷ đồng, giảm 1,4% so với năm 2022, bằng 102,6% kế hoạch giao từ đầu năm và bằng 98,66% chỉ tiêu phấn đấu (364 tỷ đồng).

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) quá cảnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo luôn tăng cường công tác kiểm soát, thu thập xử lý thông tin, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, vũ khí, ma tuý,… qua biên giới, đặc biệt tại thời điểm các lực lượng tăng cường kiểm soát khu vực dọc biên giới và vào dịp cuối năm.

Nổi bật trong năm 2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã xác lập 03 chuyên án và phối hợp với các lực lượng trong, ngoài ngành (đặc biệt Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) bắt giữ 4 vụ, 8 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 1,76117 kg MDMA (thuốc lắc); hơn 2,29027 kg Ketamine; 1,08261 kg Methaphetamine và 0,9936 gram Cần sa và 1 vụ vận chuyển 15 kg pháo hoa nổ.

z5173194464347-5a09cb62f792fe84d82310bffff318c2-1708331265.jpg
Lực lượng chức năng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra hàng hoá.

Theo ông Nguyễn An Định - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi lực lượng, nhất là trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới lực lượng Hải Quan và Biên Phòng thống nhất đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả quy chế phối hợp giữa hai lực lượng; phối hợp chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc hai ngành phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề, cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

Đồng thời, phối hợp giải quyết thủ tục, giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, hành lý, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ; vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vừa đảm bảo an toàn, an ninh kinh tế, thu hút đầu tư, du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Hướng Hóa đang dần trở thành “thủ phủ” điện gió ở khu vực miền Trung với 29 dự án được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, 19 nhà máy đã đi vào vận hành với tổng công suất 630MW, còn lại 10 dự án với tổng công suất 400MW đang triển khai xây dựng. Điện gió mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường khi 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất; trong đó có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời. Khi triển khai các dự án điện gió, khoảng 80 km đường giao thông được mở ra với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, đã giúp kết nối tốt hơn giữa các xã vùng biên giới và với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ để vận chuyển hàng hóa. Các cánh đồng điện gió cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, trở thành sản phẩm du lịch tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Tính đến năm 2019 đến nay, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được 1.663 tỷ đồng đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư Ngân sách nhà nước là 863 tỷ đồng cho 135 dự án. Ngoài ra, Khu kinh tế cũng đã thu hút được 425 doanh nghiệp, 67 dự án đầu tư và trên 4.000 hộ kinh doanh nhỏ lẻ với tổng số vốn đầu tư là trên 3.720 tỷ đồng trên tổng diện tích đất thuê là 1.756 ha. Dân cư trong Khu kinh tế cũng được tăng từ 29.000 người lên 45.000 người. Có thể nói, các con số không phải là quá ấn tượng đối với một khu kinh tế được đánh giá là nhiều tiềm năng như Lao Bảo, tuy nhiên, ý nghĩa về vị thế kinh tế mà chính trị mà nó mang lại là vô cùng to lớn cho Việt Nam, hình thành tuyến đường kinh tế quan trọng tại khu hành lang biên giới Đông Nam. 

Ngày 12/11/1998, Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 219/1998/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Gọi chung là Khu Thương mại Lao Bảo). Đây là dự án được ra đời dựa trên chính sách nâng cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố mối quan hệ trên cơ sở thiết lập một khu vực phát triển kinh tế chung, được phép áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù như chính sách về thuế nhập khẩu, chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp... Khu Thương mại Lao Bảo được coi chính là tiền thân của Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo về sau. Căn cứ nội dung Quyết định của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban Quản lý khu thương mại Lao Bảo theo Quyết định số 1528/QĐ-UB vào ngày 15/12/1998.

Ngày 12/01/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục ban hành Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg về Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo thay thế cho Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg, đây chính là quy chế đầy đủ đầu tiên của Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Sau đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập theo Quyết định số 130/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng, đánh dấu cơ chế quản lý hoàn chỉnh đầu tiên của Khu Kinh tế Lao Bảo. 

 

Đinh Loan
Bạn đang đọc bài viết "Mùa xuân ở vùng biên Lao Bảo- Khe Sanh" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.