“Nghịch lý” thị trường lao động: Lao động tri thức và doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó chủ tịch Hanita Master, Chuyên gia tái cấu trúc DN

28/09/2023 07:27

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM (Sở LĐ-TBXH TPHCM), tính đến hết năm 2022, có 151.721 lao động mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và 146.285 người đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng TCTN. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong 146.285 người mất việc, được hưởng TCTN trong năm 2022 có đến 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (56,62%); 45.543 người có trình độ đại học và trên đại học (31,14%).

Điều này, cho thấy thị trường lao động tại các thành phố lớn ở nước ta đã và đang diễn ra một hiện tượng “nghịch lý” nguồn lao động trình độ tri thức từ trình độ Đại học trở lên bị mất việc chiếm tỷ lệ cao thứ hai trong tổng số lực lượng lao động trên thị trường. Như vậy, không thể hoàn toàn phủ nhận rằng chúng ta đang thiếu hụt lực lượng lao động “chất lượng cao”…

Dịch chuyển mạnh mẽ sang khu vực “phi chính thức”

Lực lượng lao động tri thức trẻ hiện nay phần lớn tập trung vào đối tượng GenZ. Nhóm GenZ thường có xu hướng thích đổi mới và năng động hơn từ tư duy đến năng lực công nghệ. Họ sẵn sàng “nhảy việc” và sẵn sàng thử thách bản thân trong bất kỳ môi trường làm việc nào mà đối với họ được xem là phù hợp. Vậy nên, phong trào “khởi nghiệp” tự lập doanh nghiệp hay tự doanh được xem là một giải pháp tối ưu đối với nhóm tri thức trẻ GenZ ưa thích sự tự do và được thể hiện cá tính bản thân.

lao-dong-tri-thuc-1695860753.jpg
Lực lượng lao động tri thức trẻ hiện nay phần lớn tập trung vào đối tượng GenZ

Vài năm trở lại đây, khu vực phi chính thức trong thị trường lao động được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết thông qua cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các hoạt động tự mở hàng quán kinh doanh nơi lề đường/góc phố, chuỗi café di động, bán hàng online hay chạy xe công nghệ được giới trẻ “nhắm” đến nhiều hơn so với việc chọn lựa nơi làm việc máy lạnh trên các tòa cao ốc. Vì sao dẫn đến sự nghịch lý như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng, dẫu sao, chúng ta cũng cần phải thừa nhận và tôn trọng ngành nghề mà họ đã chọn.

Thông thường, khu vực lao động phi chính thức không được xã hội thừa nhận và chú trọng, đề cao. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn đặc biệt là TP.HCM – Đầu tàu kinh tế cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng thì lực lượng lao động khu vực phi chính thức chiếm đến 40% tỷ trọng. Cần nói thêm, khu vực này hoạt động song song, đồng hành hỗ trợ trực tiếp khu vực kinh tế chính thức, tạo điều kiện "bôi trơn" và làm hiệu quả hơn các hoạt động kinh tế chính quy. Vì lẻ đó, cần “hợp thức hóa” và có tư duy cởi mở hơn đối với lao động trong khu vực phi chính thức. 

Được hỏi, vì sao không chọn làm việc trong các văn phòng hoành tráng tại doanh nghiệp? Anh Nguyễn Xuân Sáng – một tri thức trẻ thuộc nhóm Genz cho biết: “Môi trường làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đa phần hoạt động không hệ thống, thiếu văn hóa chuyên nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cũng không được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ về thuật lãnh đạo một cách bài bản. Riêng, chọn làm việc tại tập đoàn/doanh nghiệp lớn thì thường gặp phải những lãnh đạo “độc tài”, “độc đoán” nên không thể phát huy được sự sáng tạo vốn có của giới trẻ”…

368237401-1187178572214362-1873709742669698311-n-1695785223.jpeg
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - tác giả bài viết.

 “Quan ngại” về tư duy quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp

Nếu bỏ qua sự dịch chuyển ngành nghề do yếu tố thị trường thì tư duy quản trị doanh nghiệp của các chủ doanh nghiệp là nguyên nhân lớn nhất khiến cho lực lượng lao động tri thức trẻ bỏ việc nhiều nhất và cũng là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp và lực lượng lao động tri thức trẻ không tìm được tiếng nói chung. Hoàn toàn không thể phủ nhận ở rất nhiều doanh nghiệp có sự biến động lớn về nhân sự nhưng vẫn có thể phát triển tốt với khoản lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài “thương hiệu tuyển dụng” của những doanh nghiệp này dần trở nên “xấu xí” trong tâm trí người lao động, đặc biệt là lao động tri thức trẻ.

Vậy thì, tư duy quản trị doanh nghiệp như thế nào là đúng đắn và khuôn thước nhằm thu hút lực lượng lao động tri thức trẻ? Trong quyển sách: “Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy Quản trị Khác biệt” của tác giả Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu đã khẳng định: Văn hóa Doanh nghiệp là sự khác biệt thuần túy và cốt lõi nhất để phân biệt đâu là nơi mà lực lượng lao động tri thức trẻ mong muốn đầu quân, cống hiến và đâu là nơi mà họ cần phải tránh xa. Thực tế cho thấy, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có nét văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp như người lao động mong muốn…

Văn hóa doanh nghiệp được hình thành bởi “bốn trụ cột” quan trọng: Văn hóa kinh doanh và tổ chức kinh doanh; Văn hóa tuyển dụng; Văn hóa phát triển và giữ chân nhân sự; Và cuối cùng là Văn hóa sa thải nhân sự. Văn hóa vốn dĩ là một khái niệm rộng lớn, không có định nghĩa cụ thể. Nó được hình thành bởi ba yếu tố quan trọng: “Chân – Thiện – Mỹ”. Dẫu đó là một tập đoàn lớn với quy mô hàng chục nghìn nhân viên, doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mà thiếu đi hoặc “lệch chuẩn” một trong “bốn trụ cột” quan trọng của văn hóa doanh nghiệp thì tập đoàn ấy cũng không phải là nơi có thể thu hút nhân tài.

Nếu như người lao động lựa chọn làm việc ở một môi trường có nguồn thu nhập cao nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc, mất động lực làm việc và không thể phát triển được bản thân thì tin chắc không ai mong muốn làm việc trong một môi trường như thế. Phải chăng, đã đến lúc chủ doanh nghiệp cần “một giây” để suy ngẫm về tư duy quản trị của mình? Nếu họ không có tinh thần cầu thị, rất có thể khu vực phi truyền thống trong thị trường lao động sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo…

Và dĩ nhiên, khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả những tập đoàn lớn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động tuyển dụng nếu như không thay đổi tư duy quản trị theo định hướng tích cực và cởi mở hơn.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó chủ tịch Hanita Master, Chuyên gia tái cấu trúc DN