Nhiều ông lớn bước vào “cuộc đua” xây nhà ở xã hội

Đức Linh

24/07/2023 14:17

Trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng", nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội giá rẻ. Đây là động thái tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực và là bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải "cơn khát" cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã "cạn" nguồn cung vài năm gần đây.

Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia “cuộc đua” phát triển nhà ở xã hội

Các gói vay ưu đãi, hỗ trợ từ phía Chính phủ như Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình,… đã tạo nên “cú hích” cho nhà ở xã hội nóng trở lại trong thời gian qua.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.

Trong đó, có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Tập đoàn Hòa Bình, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Nam Long, Địa Ốc Sài Gòn, TTC Land... Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp Nhà nước như Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD…

Đặc biệt, trong sự trở lại lần này nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ nâng tầm nhà ở xã hội với chất lượng tốt hơn song giá cả vẫn hợp lý, đảm bảo thu nhập của người lao động.

11-1690175125.jpeg
Nhà ở xã hội RichHome 3 thuộc dự án Mega City do Kim Oanh Group phát triển.

Đơn cử như Kim Oanh Group, doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu quỹ đất khoảng 500 ha tại các khu vực phát triển sôi động như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc (Kiên Giang). Đây đều là những dự án trọng điểm thuộc nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Theo bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kim Oanh Group chia sẻ, sau hơn một năm nghiên cứu thị trường và phân khúc nhà ở xã hội, Kim Oanh Group đã hoàn thành Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp với hai giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2028.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ mới từ Chính phủ về vốn, pháp lý cùng sự thay đổi của các quy định về điều kiện mua nhà ở xã hội chỉ cần chứng minh thu nhập và chưa có nhà ở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà, Kim Oanh Group đặt mục tiêu phát triển 26 dự án (gồm 23 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thu nhập thấp) với tổng cộng khoảng 40.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng.

Theo bà Oanh, từ nay đến năm 2026, Kim Oanh Group sẽ giới thiệu ra thị trường 14 dự án với 25.000 căn nhà ở xã hội. Riêng năm 2023, Kim Oanh sẽ giới thiệu ra thị trường 4.800 căn nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.

“Đây là một nỗ lực của Kim Oanh Group hưởng ứng Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động tại các địa phương có thêm điều kiện an cư lạc nghiệp. Các dự án của Kim Oanh Group đều đáp ứng tiêu chí lấy con người làm trung tâm, thiết kế giàu tính thẩm mỹ nhưng thông thoáng, tiết kiệm năng lượng sử dụng và chi phí vận hành thấp”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kim Oanh Group cho hay.

Với dòng sản phẩm nhà ở xã hội, Kim Oanh Group sẽ tối ưu hóa quy trình phát triển dự án, từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến thi công xây dựng nhằm mang lại giải pháp an cư hoàn hảo cho người lao động với những sản phẩm chất lượng, đầy đủ tiện ích nhưng giá thành phù hợp với người lao động.

“Với mong muốn kiến tạo những dự án nhà ở xã hội “chuẩn Singapore” cho gia đình Việt, vừa qua Kim Oanh Group đã ký kết hợp tác chiến lược với Surbana Jurong - tập đoàn có kinh nghiệm hoạt động toàn cầu và đã tham gia phát triển hơn 80% số lượng nhà ở xã hội tại Singapore. Như vậy, bên cạnh các dự án thương mại, Surbana Jurong còn tham gia cùng Kim Oanh Group phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Sắp tới, dòng sản phẩm nhà ở xã hội mới với sự hợp tác của đối tác chiến lược Surbana Jurong sẽ đáp ứng đủ 3 tiêu chí "Thiết thực – Nhân văn và Bền vững, Kim Oanh Group tin rằng nhà ở xã hội của doanh nghiệp triển khai khi giới thiệu ra thị trường sẽ thỏa mãn được nhu cầu của người dân Việt Nam", Bà Đặng Thị Kim Oanh chia sẻ.

nha-oh-1690175303.jpeg
Trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng", nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội như một giải pháp ổn định dòng tiền, lợi nhuận.

Tương tự như Kinh Oanh Group, tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Quy mô của các dự án sẽ từ 50 - 60ha.

Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ tại đây sẽ dao động từ 300 - 950 triệu đồng mỗi căn. Ngoài ra, Vinhomes còn hứa hẹn sẽ giúp nâng tầm nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích như: Khu vui chơi trẻ em, công viên, sân chơi thể thao…

Hay Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD - Bộ Xây dựng) từ đầu năm nay cũng đã khởi công 5 dự án, với 2.560 căn hộ. Dự kiến đến năm 2025, HUD sẽ triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại các địa phương, với hơn 8.000 căn hộ, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội HUD cán mốc khoảng 1 triệu mét vuông sàn, gần 11.000 căn hộ.

Cần gỡ các vướng mắc để phát huy hiệu quả

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp đại ốc thời gian gần đây đã bắt tay vào làm nàh ở xã hội là tín hiệu tích cực cho thị trường, hứa hẹn giải quyết bài toán thiếu nguồn cung trầm trọng nhà ở xã hội nhiều năm qua, giúp người lao động, người có thu nhập thấp hiện thực hoá giấc mơ có nhà, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát leo thang, giá bất động sản không ngừng tăng qua các năm. Khi bài toán nhà ở được giải quyết, vấn đề về an sinh xã hội đảm bảo cho sự phát triển kinh tế cũng trở nên thuận lợi. Người dân có niềm tin vào Chính phủ để tham gia lao động sản xuất hiệu quả.

sh-6-1690175465.jpeg
Doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do thực trạng phát triển nhà ở xã hội nhiều năm nay vẫn luôn tồn tại nhiều bất cập từ cung cầu, giá bán, đến cơ chế chính sách do đó khiến việc đầu tư còn chậm trễ. Do đó, để khơi thông việc phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã có các kiến nghị như: xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư để xác định điều kiện về chỗ ở của đối tượng được hưởng chính sách. Mở rộng đối tượng mua, thuê nàh ở xã hội (bỏ quy định nhà ở xã hội trong khu công nghiệp chỉ dành cho công nhân trong khu công nghiệp); đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội…

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Thu Tâm - Giám đốc khối Đầu tư Tập đoàn Bcons đề xuất cho phép nhà đầu tư tự quyết định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội, Nhà nước thực hiện tổ chức hậu kiểm theo giá tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành để nhà đầu tư có thể sớm huy động vốn, hoặc cho phép áp dụng giá trần. Nhà nước mạnh dạn cấp các gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng từ 1-2%/năm. 

Còn bà Trần Thị Hà - Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Lê Phong thì cho rằng, quy định các chủ đầu tư chỉ được bán nhà sau 5 năm sử dụng với 20% diện tích nhà ở xã hội dùng cho thuê trong dự án gây ra sự lãng phí vì phần diện tích cho thuê thường không được lấp đầy. Việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội trên cơ sở hồ sơ thiết kế dự toán theo quy định tại thời điểm thẩm định là không sát với thực tế tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành. Thủ tục xác định tính tiền sử dụng đất, thuê đất rườm rà, bảo lãnh vay ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Do đó, chính quyền địa phương và nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ về chính sách giúp người dân tiếp cập nhà ở.

Đức Linh