Nỗ lực phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thị trường nhiều biến động

Hạ Anh

11/04/2024 16:49

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” nhằm phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đánh giá về triển vọng nền kinh tế năm 2024. Trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị chính sách đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, trong giai đoạn 2023 - 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia khu vực trên phạm vi toàn cầu.

ts-pham-anh-tuan-pld-1712850275.jpg
TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Nền kinh Việt Nam phải chịu nhiều thách thức, tác động do hậu COVID-19, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Trong khi đó, nguy cơ lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn.

Cùng với đó là các rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế cũng gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng… Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Theo TS. Phạm Anh Tuấn, trước bối cảnh nhiều thách thức lớn, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%).

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Những kết quả này tạo niềm tin nền kinh tế trong nước đã vượt qua được những thách thức của năm 2023, củng cố nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bất thường, thậm chí nhiều xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam quý I/2024 phục hồi và phát triển khá tốt. Cụ thể, tăng trưởng trong quý I/2023 đạt 3,3% (6 tháng là 3,7%; 9 tháng là 4,2%; cả năm là 5,1%). Dù Việt Nam thuộc “nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới” nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 6,5% Quốc hội đề ra.

kinh-te-viet-nam-2024-pld-1712850296.jpg
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định”.

Để cải thiện mức tăng trưởng này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc; đồng thời, tiếp tục có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. 

Việc cải cách thể chế và sửa đổi khung pháp lý cũng cần được tiếp tục triển khai để tạo sự phát triển bền vững, nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng trong định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo về các thách thức trong phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và cơ hội theo những xu thế phát triển mới. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với độ mở lớn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt liên quan đến phát huy và đổi mới hệ thống thương mại đa phương, cụ thể hóa các định hướng, sáng kiến hợp tác thương mại và đầu tư mới, hài hòa lợi ích giữa các nước lớn và giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển… 

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn tin tưởng và đồng thuận với các định hướng, giải pháp cải cách và điều hành phát triển kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

Hạ Anh