Qua thời 'vàng son', các ngân hàng lũ lượt rút vốn tại công ty tài chính

Diệu Quang

26/08/2021 12:07

Một loạt thương vụ bán vốn tại công ty tài chính được các ngân hàng đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây. Sự chững lại của thị trường cho vay tiêu dùng có thể là nguyên nhân chính khiến các nhà băng đưa ra quyết định trên.

logo-cttc-15596224902871152696508-crop-15596225018312038597665-1629952048-1629954387.png
 

Ngân hàng đồng loạt bán vốn tại công ty tài chính

Ngân hàng SHB vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Cụ thể,  SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. 

Giá trị thương vụ không được SHB công bố nhưng tờ DealStreetAsia dẫn thông tin từ phía Krungsri cho biết, ngân hàng Thái sẽ mua lại SHB Finance với giá 155,77 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng).

SHB Finance được thành lập vào năm 2016 trên cơ sở Công ty tài chính Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB theo quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN. Hiện SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.

Trước đó, VPBank đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC) và Chứng khoán Bản Việt vào tháng 4 vừa qua. Thương vụ này dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng 1,4 tỷ USD và giúp tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 48%. Với mức giá trên, FE Credit được định giá vào khoảng 2,9 tỷ USD, cao hơn vốn hóa thị trường của một loạt ngân hàng trong nước như VIB, TPB, MSB, OCB,…

Ngoài SHB và VPBank, MSB hiện cũng đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại về việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty tài chính tiêu dùng FCCOM. Đầu năm 2020, MSB đã đàm phán thành công chuyển nhượng 50% vốn tại FCCOM cho Huyndai Card với giá 42 triệu USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID và thay đổi chiến lược đối tác khiến thương vụ này bất thành.

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2021, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, hiện gần như kết thúc quá trình đàm phán để định giá. Dự kiến việc thoái tại FCCOM sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn cho ngân hàng.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán IVS kỳ vọng MSB sẽ sớm hoàn tất quá trình lựa chọn đối tác mới và chốt được thương vụ này tại thời điểm cuối năm nay đến đầu năm sau. Đồng thời, thương vụ này có thể mang về cho MSB ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận.

Trước đó, làn sóng ngân hàng ‘’buông dần’’ công ty tài chính đã manh nha từ giai đoạn trước năm 2018 khi Techcombank đã chuyển nhượng 100% vốn Techcom Finance cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Trước khi Techcom Finance chia tay Techcombank thì trên thị trường M&A cũng đã ghi nhận MB bán 50% vốn tại MCredit đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei.

Trên thị trường Việt, hiện có 6 công ty tài chính là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank. Trong đó, 5/6 công ty tài chính này đã hoặc đang tiến hành bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và chỉ còn PTF của SeABank là chưa có động thái gì.

Thời ‘’vàng son’’ của công ty tài chính đã qua?

Sau giai đoạn bùng nổ những năm 2016 – 2018, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính bắt đầu chững lại trong hai năm gần đây.

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước và chỉ đóng góp 12% vào tổng lợi nhuận hợp nhất. Đây cũng là mức lãi bán niên thấp nhất trong kể từ năm 2016 của công ty tài chính đứng đầu thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. 

Nửa đầu năm nay, tổng khối lượng giải ngân của FE Credit đạt 28.000 tỷ đồng thấp hơn 25% so với cùng kỳ 2020. Qua đó, kéo tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,8% so với thời điểm 30/6/2020 và giảm hơn 7% so với cuối năm 2020.

Trước đó, công ty tài chính này ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với 2019 và chỉ đóng góp 28,5% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank, thấp hơn so với mức 30 - 40% của các năm trước.

Tại HD Saison, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 590 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Trước đó , lợi nhuận trước thuế của HD Saison trong năm 2020 giảm gần 3,8% xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của HD Saison chỉ tăng 13,1% và mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Lợi nhuận năm 2020 của SHB Finance cũng đi xuống với mức giảm gần 34% với 70,7 tỷ đồng bất chấp dư nợ cho vay tăng 35,3% lên 3.689 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận sụt giảm là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến chi phí dự phòng rủi do tăng cao.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại công ty tài chính trực thuộc MSB – FCCOM. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.  

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng, hầu như không tăng so với năm trước. Dư nợ tín dụng của công ty cũng chỉ tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ xấu của công ty tăng vọt lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ so với mức 3,15% vào cuối năm 2019. Nợ xấu tăng mạnh khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36,7 tỷ đồng.

MCredit là công ty tài chính hiếm hoi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 nhờ tận dụng được lợi thế của ngân hàng mẹ. Cụ thể, doanh thu 6 tháng vừa qua của công ty con MB đạt 2.168 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỷ đồng, tăng tới 188% so với cùng kỳ. 

Trước đó, MCredit cũng là công ty hiếm hoi đi ngược lại xu hướng chung của toàn ngành trong năm 2020 khi lợi nhuận đạt 320 tỷ đồng, tăng 77%. Mức tăng trưởng tốt có được nhờ dư nợ tăng 18% được thúc đẩy từ việc kết hợp tác với các đối tác lớn như VietttelPay, kết hợp với một số sản phẩm bán qua kênh số của ngân hàng mẹ.

Diệu Quang