Rót gần 9.000 tỷ xây nhà máy sản xuất cell pin, mảnh ghép cuối trong chiến lược sản xuất xe ô tô điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp hoàn thiện

Mai Chi

21/10/2021 19:18

Công ty cổ phần giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Vingroup vừa được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất cell pin, với tổng mức đầu tư hơn 8.814 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ được khởi công trong quý 4 năm 2021 này.

245331278-1281163755642489-6391960377817506626-n-1634791499.jpgKhu kinh tế Vũng Áng, nơi sẽ xây nhà máy cell pin của Vingroup

Ngày 20/10, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Lê Trung Phước vừa ký Quyết định số 119/QĐ-KKT chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất Cell Pin VINES do Công ty CP Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư.

Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất của Cell Pin VINES sẽ được thực hiện tại lô CN4-4 (diện tích dự kiến 12,6ha) thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh; chuyên sản xuất pin và ắc quy, sửa chữa thiết bị điện và sản xuất hóa chất cơ bản. Công suất thiết kế khoảng 5GWH/năm.

Tổng mức đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất Cell Pin VINES hơn 8.814 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của chủ đầu tư là gần 1.763 tỷ đồng (tỷ lệ góp vốn 20%), nguồn vốn huy động từ các ngân hàng thương mại được phép, các tổ chức tín dụng là hơn 7.051 tỷ đồng (chiếm 80%).

Giai đoạn 1, sẽ triển khai xây dựng toàn bộ hạ tầng, nhà xưởng và lắp đặt trang thiết bị đáp ứng công suất 3 GWh/năm từ quý IV/2021 đến quý III năm 2022.

Giai đoạn 2, vận hành sản xuất đại trà từ quý IV năm 2022; sẽ lắp đặt hoàn tất trang thiết bị vào năm 2025.

Hiện nay, TX Kỳ Anh đang gấp rút triển khai công tác GPMB để kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đúng tiến độ đề ra.

Trước đó, ngày 23/8/2021 Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Gotion High-Tech Co., Ltd. (Trung Quốc) - một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng sạch - đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Trọng tâm của thỏa thuận là dự án cung ứng pin LFP và nghiên cứu kế hoạch xây dựng Nhà máy Giga sản xuất cell pin LFP đầu tiên tại Việt Nam.

Pin LFP hiện là công nghệ pin phổ biến nhất trên thị trường xe điện toàn cầu, với điểm vượt trội về độ an toàn, tuổi thọ cao, không sử dụng các nguyên liệu hiếm, có nguồn cung hạn hẹp hay phải khai thác trong điều kiện chưa đảm bảo về an toàn lao động, gây tác động môi trường như Cô-ban, Man-gan… Đặc biệt, pin LFP có chi phí cạnh tranh, giúp giảm giá thành sản phẩm và phù hợp với các dòng xe ô tô điện cỡ nhỏ - vừa.

Trước đó, tháng 4/2021, Vinhomes đã có văn bản đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh khảo sát xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô bao gồm nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, chuỗi nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho công nghiệp ô tô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao.

Cùng với đó, Vinhome sẽ xây dựng cảng biển tổng hợp và khu logistics để phục vụ nhu cầu vận tải biển cho nhà máy, xây dựng khu du lịch khách sạn....

Dự án có quy mô 2.000ha tại khu kinh tế Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh. Trong đó, diện tích đất liền là 1.500ha, diện tích mặt nước biển là 500ha.

Cuối tháng 8, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Vingroup, đã chia sẻ về những bước đi phát triển pin xe điện trong thời gian tới. Bà Thuỷ cho biết công ty đang tích cực làm việc với nhiều hãng nghiên cứu, sản xuất pin lớn trên thế giới như Mỹ, Israel, Đài Loan nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển xe điện ra toàn cầu với chất lượng pin tốt và hiện đại.

"Đặc biệt, chúng tôi đang xúc tiến việc đưa hai công nghệ pin có tính cách mạng cho thị trường xe điện là pin 100% thể rắn và pin sạc siêu nhanh. Hai loại pin này đều là công nghệ của tương lai, ngay cả các hãng xe điện lớn nhất trên thế giới cũng đang trong quá trình nghiên cứu ứng dụng. Nếu sở hữu sớm, VinFast sẽ có cơ hội bứt phá", bà Thuỷ nói.

Về pin 100% thể rắn (100% Solid-state battery), VinFast đã kí bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Prologium (PLG) của Đài Loan - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất pin.

Về pin sạc siêu nhanh, VinFast đang hợp tác với StoreDot của Israel - công ty nổi tiếng thế giới sở hữu công nghệ sạc lên tới 80% pin trong 4-5 phút, nhờ sử dụng các hạt nano thay cho than chì.

Mai Chi