Sau vi phạm về thuế, Tập đoàn Lộc Trời của Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn chốt quyền phát hành cổ phiếu trả cổ tức

Trọng Đạt

10/10/2023 11:41

Mới đây, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Mã CK: LTG) đã đưa ra quyết định về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, LTG dự định phát hành hơn 20,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25%, tương ứng mỗi cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới phát hành thêm. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính năm 2022 của công ty. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của LTG sẽ được nâng từ hơn 800 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng.

LTG hiện nay có hơn 80,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Được biết, LTG đã thay đổi ý định chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% thay vì bằng tiền như kế hoạch cũ. Quyết định này được công bố ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 chỉ đúng một ngày. Lý do thay đổi được LTG đưa ra là nhằm tăng cường nguồn lực về vốn cho việc thực hiện mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh trong năm nay và gia tăng lợi ích cho cổ đông gắn liền với cam kết về hiệu quả kinh doanh.

anh-chup-man-hinh-2023-10-10-luc-112454-sa-1696911920.png
Tập đoàn Lộc Trời chốt quyền phát hành hơn 20 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2022.

Một tin đáng chú ý khác, trước đó vào ngày 2/10, Tập đoàn Lộc Trời thông báo đã nhận được quyết định của Tổng cục Thuế về việc xử phạt và truy thu tổng số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng do vi phạm hành chính về thuế năm 2021 và 2022. Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và nhiều lần khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo quy định.

Tại quyết định vi phạm về thuế này, Tổng Cục thuế giao cho ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện cho Tập đoàn Lộc Trời chấp hành. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định, doanh nghiệp phải thực hiện theo thông tin xử phạt trên. Ngược lại, nếu không chấp hành đúng theo quyết định, Tập đoàn Lộc Trời sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.130 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực - lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn cơ cấu với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Trừ đi thuế phí, Lộc Trời thu về khoản lãi 343 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm như trên đã giúp công ty hoàn thành gần 86% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 12.183 tỷ đồng, tăng 39% so với số đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn là 553 tỷ đồng. Cuối quý 2/2023, tổng nợ vay của Lộc Trời khoảng 6.950 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 3.392 tỷ đồng bao gồm 1.541 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

loc-troi-1696912787.png
Chân dung chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn - “Ông trùm” xuất khẩu gạo.

Nhắc đến Tập đoàn Lộc Trời, nhiều người liền nghỉ ngay đến vị doanh nhân Huỳnh Văn Thòn với cương vị là Chủ tịch HĐQT. Ông Thòn từng là người “tập” cho bà con nông dân mua cổ phiếu để đầu tư, một chuyện xưa nay hiếm.

Ông Huỳnh Văn Thòn sinh năm 1958 tại An Giang, là một kỹ sư kinh tế. Tại Tập đoàn Lộc Trời ông Thòn sở hữu riêng cho mình 3,16% cổ phần trị giá gần 93 tỷ đồng và đại diện cho 24,15% cổ phần của UBND tỉnh An Giang. Những thành viên trong gia đình của vị chủ tịch này bao gồm vợ và các con, đều không nắm giữ cổ phần hoặc làm việc tại tập đoàn, mà chỉ có anh chị em của ông sở hữu vài nghìn cổ phiếu.

Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông từng là cán bộ nhà nước làm việc tại An Giang. Theo đó,  năm 1988, ông Thòn làm việc tại Phòng Kế hoạch của Sở Nông Nghiệp ở tỉnh An Giang, sau đó được thăng tiến trở thành Trợ lý Phó chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc Sở Nông nghiệp.

Và từ vị trí giám đốc, ông được bổ nhiệm lại vị trí Phó giám đốc Sở Nông nghiệp kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật An Giang. Đây cũng là cơ duyên giúp ông Thòn có cơ hội chuyển đổi sang làm kinh tế. Và một trong những điều được xem thành công nhất của ông là xây dựng một công ty nhà nước từ thuở chỉ vài chục người, trở thành Tập đoàn Lộc Trời có vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng.

Nói về câu chuyện ông Thòn “tập” cho bà con nông dân mua cổ phiếu để đầu tư, từ năm 2010 ông đã quyết định bước chân vào lĩnh vực lương thực bằng dự án “cánh đồng mẫu lớn”. Không lâu sau, ông cùng các cộng sự đã khánh thành nhà máy chế biến gạo xuất khẩu có diện tích 5 ha, vốn đầu tư là 65 tỷ đồng.

Tiếp tục, vị doanh nhân này cũng cho khánh thành Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành - trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn đầu tiên thuộc công ty tư nhân, với tổng mức đầu tư là 4,5 triệu USD. Đặc biệt, ông Thòn đã “tập” cho bà con nông dân tìm hiểu về cổ phần, cổ phiếu bằng việc phát hành cổ phiếu ưu đãi. Năm 2013, Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang - nơi ông Thòn giữ chức Chủ tịch HĐQ đã phát hành gần 1,9 cổ phiếu trong tổng số 2,48 triệu cổ phần theo kế hoạch, cho hơn 1.700 nông dân với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50% so với thị trường. Từ đó giúp công ty thu về hơn 56 tỷ và nâng tổng vốn điều lệ lên 652 tỷ đồng.

Trọng Đạt