Tập đoàn Hòa Bình thông qua phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng nguồn vốn

Văn Đức

17/10/2023 21:47

Chiều ngày 17/10/2023, Đại hội đồng Cổ đông bất thường của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (tập đoàn Hoà Bình; Mã CK: HBC) đã diễn ra thành công theo hình thức trực tuyến. Các nội dung trong tờ trình được Đại hội đồng thuận thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.

Đại hội đã thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ, giá phát hành là 12.000/ cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá dự kiến phát hành thêm tối đa là 2.740 tỷ đồng.

Trong đó, Hòa Bình phát hành 220 triệu cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn và 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ đối với các đơn vị là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và thanh toán các khoản nợ hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong năm 2023 – 2024, chi tiết sẽ được thông báo sau khi nhận được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

hbc-dhcd-bat-thuong-2023-lan-2-1697553457.JPG
ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của tập đoàn Hòa Bình vào chiều ngày 17/10. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết: “Hòa Bình đã ký kết thỏa thuận về nguyên tắc với một tập đoàn đầu tư và phát triển quốc tế nhằm hợp tác chiến lược và hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh quốc tế. Theo yêu cầu của nhà đầu tư, các điều khoản thỏa thuận cần được bảo mật cho đến khi hợp đồng chính thức được ký kết. Việc trao đổi thông tin và đánh giá hiện đang được hai bên tiến hành khẩn trương, nỗ lực để việc phát hành được thực hiện vào cuối năm nay”.

Theo ông Hải, trong tình hình còn nhiều thách thức như hiện nay, Hòa Bình đã đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc tài chính, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn cũng như giảm áp lực trả nợ bằng việc hoán đổi nợ thành cổ phần cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Đây là giải pháp có cơ hội mang về lợi ích lâu dài trong việc cơ cấu lại nợ, cũng như khôi phục hoạt động kinh doanh và gia tăng mối quan hệ lợi ích bền chặt, đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình. Tính đến ngày 16/10/2023, đã có gần 100 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 400 tỷ đồng.

chu-tich-hdqt-le-viet-hai-chia-se-tai-dai-hoi-1697553457.JPG
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải chia sẻ tại Đại hội đồng Cổ đông bất thường.  (Ảnh chụp màn hình)

Còn theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu, hiện để đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khá khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.

Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng trong năm 2023, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng.

Hiện tại tập đoàn có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho công ty.

“Tính đến hiện tại, ban điều hành ước tính doanh thu hợp nhất năm đạt 7.800 tỷ đồng và lợi nhuận âm vì không thực hiện thanh lý tài sản của Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec như kế hoạch ban đầu”, ông Lê Viết Hiếu cho hay. 

ong-le-van-nam-tong-giam-doc-1697553457.JPG
Theo Tổng Giám đốc tập đoàn Hòa Bình, để giải quyết khó khăn về dòng tiền, thời gian qua công ty đã đẩy nhanh tốc độ quyết toán đối với những dự án đã thi công công xong. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Lê Văn Nam - Tổng Giám đốc tập đoàn Hoà Bình chia sẻ thêm, đối tác gặp khó khăn trong việc xoay xở tài chính, không sắp xếp được nguồn thu như cam kết. Đồng thời, sau khi cân nhắc lại, ban điều hành nhận thấy nếu thanh lý tài sản này và chuyển nhượng tài sản công ty Matec cho đối tác, Hòa Bình chịu áp lực phải cam kết doanh thu hàng năm khá lớn.

"Phương án chuyển nhượng này ổn trong ngắn hạn vì công ty cân đối được dòng tiền nhưng về trung và dài hạn không tốt. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định không chuyển nhượng Matec cũng như chuyển nhượng tài sản mà để lại phục vụ cho chiến lược trung và dài hạn của tập đoàn", ông Lê Văn Nam cho hay.

Cũng theo Tổng Giám đốc tập đoàn Hòa Bình, để giải quyết khó khăn về dòng tiền, thời gian qua công ty đã đẩy nhanh tốc độ quyết toán đối với những dự án đã thi công công xong. Trong hai tháng 7 - 8, dòng tiền thu được từ các dự án này tăng 40 - 50% so với những tháng trước đó, trung bình mỗi tháng thu về 150 - 200 tỷ đồng.

Đối với một số khách hàng chây ì trong việc thanh toán nợ, công ty buộc phải áp dụng các giải pháp pháp lý là đưa ra tòa. 

Mới đây, Hòa Bình cũng đã nhận được 2 phán quyết của pháp luật về việc thắng kiện với tổng số tiền thu hồi hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã buộc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền gần 162 tỷ đồng. Đây là số tiền Hòa Bình sẽ nhận được của gói thầu thi công móng, phần thân và hoàn thiện mặt ngoài khu thấp tầng 242 căn của dự án Khu sân golf Đầm Vạc và Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình và buộc Công ty TNHH Vì khoa học thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 100 tỷ đồng. Hòa Bình cũng đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ và lãi trả chậm, các khoản chi phí phát sinh hơn 304 tỷ đồng cho Hòa Bình từ Công ty CP Tập đoàn FLC sau gần 3 năm thực hiện thu hồi kể từ phán quyết có hiệu lực của trọng tài vào tháng 11/2020.

Trong giai đoạn tình hình kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đối diện với nhiều thách thức, Hòa Bình đã nỗ lực để tìm kiếm nguồn việc. Mới đây, Hòa Bình nhận được thư giao thầu thi công một chung cư cao cấp tại Thành phố Thủ Đức; và một số dự án ở Đồng Nai, Đà Nẵng với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/10/2023, Hòa Bình đã tất toán nợ với 7 ngân hàng tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.

Cập nhật về công nợ, phía tập đoàn Hoà Bình cho biết tổng nợ tính đến hiện tại bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, My Way Group...

Trong những tháng cuối năm 2023, công ty dự thu 2.836 tỷ đồng trong tổng số nợ nói trên và lũy kế đến Tết Nguyên đán 2023 có thể thu được 4.846 tỷ đồng. 

Văn Đức