Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không Vietjet

Minh Quân

06/04/2023 18:21

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố thông tin liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó từ ngày 6/4/2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này.

nguyen-thi-phuong-thao-1680779536.jpg
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 2,2 tỷ USD là người giàu thứ hai tại Việt Nam theo xếp hạng của Forbes.

Ngày 6/4, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC)  đã công bố thông tin liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Lễ công bố quyết định đã được tổ chức tại sự kiện Lễ ra quân triển khai kế hoạch 2023 của Vietjet tại TP HCM.

Theo đó, từ ngày 6/4/2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty, kế tiếp vị trí bà Nguyễn Thanh Hà; ông Đinh Việt Phương - Giám đốc Điều hành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

Ông Đinh Việt Phương gắn bó cùng Vietjet từ những ngày đầu tiên và đảm nhận vị trí Phó Tổng giám đốc Thường trực, Giám đốc Điều hành Vietjet từ tháng 10/2020. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn. Ông có bằng kĩ sư Đại học Hàng hải Việt Nam, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại CFVG (Pháp) và Tiến sĩ tại Học viện Quốc gia Matxcova về vận tải. 

Việc bổ nhiệm này nằm trong kế hoạch phát triển của công ty, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại Vietjet nhằm tiếp tục đưa hãng mở rộng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7 tháng 6 năm 1970 tại Hà Nội, đã giữ cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air từ nhiều năm qua. Ngoài ra bà Thảo còn giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là lãnh đạo có xu hướng đi đầu trong việc đưa công nghệ mới, hiện đại của ngành hàng không vào hoạt động của Vietjet với những kết quả nổi bật như: Hãng đi đầu trong cuộc cách mạng chuyển từ vé máy bay giấy sang vé điện tử, sáng kiến và tài trợ chương trình ứng dụng giải pháp và công nghệ tiên tiến với Tổng công ty Quản lý bay, nâng năng suất điều hành, giúp tăng thêm hàng chục triệu lượng khách thông qua hàng năm tại sân bay Tân Sơn.

Không những vậy, nữ tỷ phú tự thân duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á còn là người khơi nguồn cảm hứng bất tận để phụ nữ Việt Nam, doanh nhân, người khởi nghiệp tự tin, sáng tạo, bứt phá định kiến về giới, kể cả ở những lĩnh vực vốn được coi là “địa hạt” của nam giới như hàng không.

Dưới sự dẫn dắt của bà Phương Thảo, Vietjet đã trở thành hãng hàng không tư nhân thành công nhất Việt Nam với những hoạt động gây chấn động thế giới, tiên phong, tự tin, rực rỡ trên bầu trời quốc tế để giới thiệu về một Việt Nam đổi mới, một nền kinh tế thị trường đang vươn lên mạnh mẽ. Vietjet đi qua đại dịch đầy bản lĩnh và tiếp tục được trang an toàn hàng không AirlineRating đánh giá là hãng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới 5 năm liền (2017-2021)…

vietjet-1680779584.jpg
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và lãnh đạo Vietjet tại lễ công bố ngày 6/4/2023.

Thành tích của Vietjet trong suốt một thập kỉ qua đều mang dấu ấn của nữ CEO với những quyết định táo bạo, sáng suốt, quyết đoán, không thua gì đấng mày râu.

Hằng năm, bà Phương Thảo và Vietjet đều quyên góp cho các làng SOS trên toàn quốc, đưa ra sáng kiến chương trình “Chắp cánh yêu thương” để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu vùng xa...

Trong đại dịch COVID-19, Vietjet đã chuyên chở miễn phí hàng nghìn y bác sĩ, cán bộ y tế, quân nhân vào miền Nam chống dịch, trao tặng xe cứu thương, hàng triệu mẫu xét nghiệm, liều vaccine. “Bếp ăn yêu thương” do bà Phương Thảo phát động cũng đã cấp hơn 1,8 triệu suất cơm và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho các cán bộ bệnh viện dã chiến, các hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, tăng trưởng khách nội địa 20% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản cũng tăng 30% lên hơn 67.000 tỷ đồng với chỉ số nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu là 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, ở mức tốt trong ngành hàng không. Hãng đã nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp, gián tiếp là 4.349 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm nay được kỳ vọng sẽ là một năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, mang đến cơ hội cho các hãng hàng không có năng lực tài chính và vận hành tốt như Vietjet.

vietjet-air-1680780461.png
Năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay.

Hãng hàng không Vietjet là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và sở hữu chứng nhận An toàn Khai thác IOSA. Hãng được đánh giá cao bởi khả năng quản lý chi phí, khai thác, vận hành cũng như mở ra cơ hội bay với chi phí tiết kiệm, linh hoạt, cung cấp đa dạng dịch vụ, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng

Việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo với kinh nghiệm và tâm huyết hứa hẹn sẽ đưa Vietjet bước vào một giai đoạn tăng trưởng, phát triển mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự đổi mới của ngành hàng không và thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và quốc tế.

Được biết Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2023. Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023, Việt Nam có 6 đại diện gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (4,3 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,2 tỷ USD), Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (1,8 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,5 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD).

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á

Minh Quân