Việt Nam cần làm gì để được nâng hạng thị trường mới nổi?

truong.bui

16/05/2019 16:08

Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá trở ngại lớn nhất liên quan tới giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài và hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Pakistan đã được nâng hạng thị trường mới nổi vào năm 2017, nhưng đang đối mặt rủi ro bị "giáng hạng" trở lại thị trường cận biên khi chỉ số chứng khoán nước này liên tục sụt giảm. Vốn hóa thị trường hiện tại của Pakistan ở mức 54 tỉ USD. Trong khi đó, thị trường trị giá 140 tỉ USD Argentina có thể sẽ được nâng hạng thị trường mới nổi trong năm nay. Còn Kuwait, với vốn hóa 96 tỉ USD vào năm 2018, có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng vào năm tới.

Không có gì quá ngạc nhiên nếu Việt Nam, thị trường có giá trị vốn hóa vào khoảng 170 tỉ USD vào năm 2018, cũng cùng với Kuwait vào danh sách theo dõi năm 2019.

Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu định lượng về một chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, bao gồm quy mô thị trường, số lượng cổ phiểu vốn hóa lớn đạt lượng thanh khoản giao dịch hàng ngày nhất định, và các chỉ tiêu khác, Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital cho biết trong một báo cáo phát hành ngày 13.5.

“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều thứ để làm để đáp ứng đầy đủ yêu cầu định tính của MSCI, vốn đề cao tính cởi mở trong đầu tư nước ngoài và khả năng dòng vốn rót vào và rút ra khỏi thị trường”, ông Kokalari nhận định.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội - Ảnh: Shutterstock
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội - Ảnh: Shutterstock

Theo Kokalari, trở ngại lớn nhất đối với việc nâng hạng thị trường mới nổi cho Việt Nam có lẽ liên quan tới giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài và vấn đề hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Khi một cổ phiếu chạm tới giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, cách duy nhất một nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu này là mua từ một nhà đầu tư nước ngoài khác, với mức giá thường cao hơn 7-10% so với mức giá hiện hành.

Nhưng cổ phiếu này vẫn đang giao dịch với giá trên thị trường, đồng nghĩa người mua sẽ ngay lập tức bị lỗ 7-10% cho giao dịch mua cổ phiếu (mặc dù người mua cũng có thể kiếm được mức tương đương nếu bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài khác).

Vấn đề lỗ lãi này chỉ có thể được giải quyết bằng cách thiết lập một sân chơi riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, nơi việc mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài có thể được ghi nhận. Hoặc giới thiệu NVDR - chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, một sáng kiến được áp dụng rất thành công ở Thái Lan.

 

Xếp hạng các thị trường của MSCI năm 2018 - Nguồn : MSCI
Xếp hạng các thị trường của MSCI năm 2018 - Nguồn : MSCI

 

Xem thêm bài viết: Nâng hạng thị trường - Kỳ vọng tỉ đô

Một vấn đề khác do giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài tạo ra là nhiều giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài hoàn tất bên ngoài sàn giao dịch, vốn cần phải có sự chấp thuận theo từng giao dịch.

Cho tới năm 2015, giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài của tất cả các ngành kinh doanh tại Việt Nam là 49%. Từ năm đó, chỉnh phủ bắt đầu cho phép nhiều lĩnh vực được tự quyết định giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, trừ một số lĩnh vực. Nhưng cho tới nay, chỉ một số ít công ty, khoảng 33 trong số 750 công ty niêm yết, gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài. Ngành ngân hàng tiếp tục giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 30%.

 

Nha Quan Ly

 

Vào tháng 11.2018, chính phủ ban hành dự thảo luật chứng khoán mới, nhiều khả năng sẽ không giới hạn sở hữu nước ngoài (trừ ngân hàng). Bộ luật này không được đem ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội gần đây, điều đó đồng nghĩa phải tới tháng 5.2020, bộ luật mới được đem ra thảo luận trong kỳ họp kế tiếp.

“Chúng tôi tin rằng bộ luật này được thông qua sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam được chọn vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI”, Michael Kokalari bình luận trong báo cáo của VinaCapital.

Bên cạnh giới hạn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital đưa ra bốn thách thức lớn khác cần cải thiện, bao gồm: tự do hoá giao dịch ngoại hối; sự phổ biến của các văn bản và thông tin bằng tiếng Anh; giao dịch bán khống và cải thiện hơn nữa hoạt động của Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam. 

Nếu được nâng hạng thị trường mới nổi, Việt Nam gần như chắc chắn thu hút hơn 3 tỉ USD đổ vào thị trường chứng khoán. Nếu Argentina được đưa vào chỉ số thị trường mới nổi, tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số thị trường cận biên sẽ tăng từ 18% lên 30%, cũng sẽ góp phần khiến dòng tiền chảy vào thị trường, ông nhận định.

FTSE cũng đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ cuối năm ngoái. Đợt xem xét tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9.2019. Mặc dù chỉ số thị trường mới nổi của FTSE không được nhiều quỹ theo dõi hơn MSCI, nhưng nó cũng có thể giúp Việt Nam thu hút được 1 tỉ USD dòng tiền mới đổ vào thị trường. Dòng vốn trung bình hàng năm đổ vào thị trường trong vòng ba năm qua đạt khoảng 1 tỉ USD.

Nâng hạng bởi FTSE và MSCI có gì khác nhau?

Cùng với S&P Global (Standard & Poor’s Global), FTSE và MSCI là bộ ba các tổ chức xếp hạng thị trường lớn nhất trên thế giới. Trong đó MSCI sở hữu bộ chỉ số được các quỹ hoán đổi danh mục - ETF (Exchange-Trade Fund) tham chiếu nhiều nhất. Hiện Việt Nam đều đang được cả FTSE Russell và MSCI xếp vào nhóm “thị trường cận biên” (frontier market). Tuy nhiên, việc được nâng hạng bởi MSCI là khó hơn nhiều so với FTSE.

FTSE Russell chia thị trường thành bốn nhóm: thị trường phát triển, thị trường mới nổi cấp cao, thị trường mới nổi thứ cấp và thị trường cận biên (developed, advanced emerging, secondary emerging, frontier). Bộ tiêu chí của FTSE Russell gồm bốn nhóm chỉ tiêu với 21 tiêu chí nhỏ. Để được đưa vào danh sách theo dõi vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã đạt 9/21 tiêu chí cần thiết của nhóm “thị trường mới nổi thứ cấp”. Khả năng chính thức được nâng hạng trong năm nay là rất cao nếu Việt Nam vẫn giữ vững được các chỉ tiêu đạt yêu cầu.

MSCI cũng chia thị trường thành bốn nhóm: thị trường phát triển, thị trường mới nổi, thị trường cận biên và thị trường nằm ngoài (developed, emerging, frontier, standalone). Theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chuẩn “thị trường mới nổi” của MSCI khó tương đương với tiêu chuẩn “thị trường mới nổi cấp cao” của FTSE. Vậy nên, việc đạt được mức “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE là một mục tiêu mà TTCK Việt Nam dễ đạt được hơn trong ngắn hạn.

Nhật Duy

truong.bui