5 khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi quản lý nhân sự

Theo giaiphaperp.vn

24/07/2023 08:36

Nhân sự là nguồn lực quan trọng đóng vai trò quyết định tạo ra thất bại hay thành công của mỗi doanh nghiệp. Do đó bài toán quản lý nhân sự sao cho hiệu quả là thách thức lớn đối với nhiều tổ chức. Cùng điểm qua một số khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quản trị nguồn nhân lực ở bài viết dưới đây:

Dưới đây là một số khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi quản lý nguồn nhân lực:

1. Dư thừa và thiếu hụt nhân sự

Với nhiều doanh nghiệp, khi hoạt động kinh doanh sa sút, bộ máy vận hành quá cồng kềnh thì việc dư thừa nhân sự là không thể tránh khỏi. Ngược lại, khi hoạt động kinh doanh phát triển, nhu cầu về nhân sự tăng cao doanh nghiệp có thể gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Vấn đề này phát sinh từ khâu lên kế hoạch, phân bổ và tuyển dụng người lao động. Bộ phận nhân sự không nắm được những thông tin cập nhật từ các bộ phận khác kịp thời, do đó chưa thể tìm kiếm, tuyển dụng được ngay những ứng viên phù hợp với vị trí yêu cầu, việc chậm trễ trong khâu tuyển dụng là khó tránh khỏi.

2. Khó thoả mãn nhu cầu nhân viên về chính sách đãi ngộ

Nhằm thu hút cũng như giữ chân nhân viên làm việc lâu dài cho doanh nghiệp mình, việc đánh giá kinh nghiệm, trình độ, quá trình làm việc cũng như tiềm năng phát triển của nhân viên để từ đó đưa ra những chính sách đãi ngộ phù hợp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự làm tốt công tác này. Công tác phân tích, phân loại và tính toán lương, thưởng cho nhân viên còn nhiều sai sót, và chưa hợp lý, dẫn đến giảm sự hài lòng của nhân viên. Hơn nữa, việc tính toán lương thưởng, chế độ đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp vẫn được thực hiện theo phương pháp thủ công, dẫn đến tăng khối lượng công việc cho bộ phận nhân sự mà hiệu quả thì không hề cao.

ke-hoach-dao-tao-nhan-su-edunow-08-1675739086.jpeg
Ảnh minh hoạ.

3. Tỷ lệ luân chuyển lao động tăng cao

Khi công việc không có cơ hội thăng tiến, mức đãi ngộ không cao, doanh nghiệp dễ gặp phải tình trạng tỉ lệ luân chuyển lao động tăng cao, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình trạng lao động cũ nghỉ việc, lao động mới xin vào liên tục là một vấn đề đáng ngại đối với doanh nghiệp, làm tốn nhiều thời gian, chi phí tuyển dụng, cũng như chi phí đào tạo lại nhân sự mới. Hơn nữa, nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, về lâu dài có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh, mức doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

4. Thiếu hụt nhân tài

Nguồn lao động trong nước tuy vô cùng dồi dào, nhưng chỉ một phần thiểu số trong đó là có đủ kĩ năng, kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cao như hiện nay. Vì vậy, việc tìm kiếm và phát triển nhân tài nhằm cống hiến vì lợi ích của doanh nghiệp là một công việc tốn nhiều thời gian, công sức và không hề đơn giản của bộ phận nhân sự. Nhiều doanh nghiệp chưa đề ra được các căn cứ cơ bản để xác định kiến thức, kĩ năng cần thiết của ứng viên cho việc tuyển dụng; công tác đào tạo, đánh giá, phân bổ nhân sự còn thiếu thông tin và cơ sở, dẫn đến việc tìm kiếm và phát triển nhân tài cho doanh nghiệp càng trở nên khó khăn.

5. Khó hài hoà các mối quan hệ trong nội bộ công ty

Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng được văn hoá doanh nghiệp mạnh thì sẽ không gặp vấn đề quá lớn với việc hài hoà các mối quan hệ trong công ty cũng như định hướng lợi ích của nhân viên theo lợi ích chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hài hoà các mối quan hệ phức tạp trong công ty, không những mối quan hệ giữa nhân viên với nhân viên mà còn mối quan hệ của nhân viên với cấp quản lý, là một việc không hề đơn giản. Điều này đặt ra thách thức lớn cho chủ doanh nghiệp cũng như giám đốc nhân sự, đòi hỏi họ phải tìm hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của nhân viên trong công ty, nhằm tạo ra sự đoàn kết nội bộ, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững.

 

Theo giaiphaperp.vn