Các xu hướng chính của văn phòng chia sẻ

truong.bui

13/05/2019 09:57

Văn phòng chia sẻ đã phát triển mạnh mẽ trong năm năm qua và trở nên phổ biến rộng rãi, không chỉ trong giới khởi nghiệp và người làm việc tự do, mà cả với các công ty lớn.

Theo Emergent Research, chỉ có khoảng 70 văn phòng chia sẻ mở cửa từ năm 2006 tới năm 2009, chủ yếu là trong các trung tâm thành phố lớn. Nhưng con số này tăng lên 11.000 địa điểm tính tới năm 2016, và chạm tới 14.000 địa điểm trong năm 2017.

Theo chuyên trang phân tích Megalytics, có sáu xu hướng chính đang diễn ra trong lĩnh vực văn phòng chia sẻ và có thể tiếp tục trong tương lai.

Tác động lâu dài tới thị trường bất động sản thương mại

Trong vòng năm năm tính tới 2017, lĩnh vực bất động sản thương mại chịu sự thắt chặt cho vay và sự trì trệ của các dự án bất động sản. Nhu cầu cho ngành dịch vụ bất động sản đã tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế. Sự phục hồi này được dự báo sẽ tiếp tục tới năm 2022, sẽ làm động lực tăng trưởng của ngành, và các nhà vận hành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi cải thiện điều kiện cho vay.

Văn phòng chia sẻ tạo ảnh hưởng lớn tới hiệu suất hoạt động của bất động sản thương mại. Các nhà vận hành văn phòng chia sẻ đã hấp thụ một nguồn cung đáng kể trong các đô thị lớn. Văn phòng chia sẻ cũng đang thúc đẩy quá trình nâng cấp và mở rộng tiện ích cho dự án văn phòng. Các chủ tòa nhà cũng đang đầu tư lớn, không chỉ vào các tòa nhà văn phòng mà còn mở ra không gian văn phòng chia sẻ của chính họ.

Ngành kinh tế cho thuê văn phòng chia sẻ

Mức giá thuê văn phòng chia sẻ bình quân tại các thị trường lớn ở Mỹ ước tính vào khoàng 139 USD mỗi ft vuông (xấp xỉ 0,09 mét vuông), cao hơn 181% so với mức giá 49,59 USD cho thuê văn phòng hạng A khu trung tâm thành phố (CBD). Nếu so với mức giá cho thuê trung bình của tất cả các loại văn phòng, giá thuê văn phòng chia sẻ cao hơn tới 331%.

Không gian văn phòng chia sẻ lớn dần

Trước năm 2011, các không gian văn phòng chia sẻ lớn hiếm khi vượt quá 20.000 ft vuông. Giờ thì thị trường không còn quá xa lạ với không gian văn phòng rộng hơn 100.000 ft vuông, nhằm nhắm tới các công ty lâu năm. Từ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ cho tới các tập đoàn lớn như IBM và Verizon đã nhận ra lợi ích từ văn phòng chia sẻ, bằng chứng là hợp đồng thuê ngoài, thuê văn phòng chia sẻ tạm thời đang thu hút các công ty ở mọi quy mô.

Tập trung hơn vào thị trường ngách

Mặc dù gã khổng lồ văn phòng chia sẻ WeWork vẫn chưa có lời, các nhà vận hành nhỏ hơn tập trung vào thị trường ngách nhằm mang lại đà tăng trưởng nhanh và có lời hơn. Bằng cách tập trung vào thị trường ngách, một địa điểm văn phòng chia sẻ có thể tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành một nền kinh tế chia sẻ.

MakeOffice đã mở một địa điểm rộng 21.000 ft vuông tại Chicago để nhắm tới các công ty công nghệ sức khỏe. Bằng cách chuyên môn hóa, họ có thể cung cấp quyền truy cập vào kiến thức chuyên môn trong ngành và một cộng đồng tương quan. Làm việc cùng nhau trong một môi trường chung sẽ tạo ra các cơ hội tình cờ để có thêm nguồn doanh thu và hỗ trợ các thành viên.

Food Loft ở Boston thì tập trung vào ngành thực phẩm và cung cấp một mạng lưới cố vấn để giúp các thành viên truy cập vào mạng lưới các chuyên gia hàng đầu về thương hiệu, tiếp thị, kinh doanh, phân phối, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng,... Loại truy cập này có thể rất có giá trị với các doanh nghiệp.

Một ví dụ khác về chuyên môn hóa, Convene đưa ra nhiều không gian sang trọng hơn nhờ địa điểm văn phòng tại Willis Tower ở Chicago. WeWork tiếp tục mở rộng ở các thị trường lớn trong khi cũng phát triển các liên doanh chuyên biệt khác như WeLive, WeGrow.

Hình thành phân khúc thị trường, phát triển thị trường ngách là một dấu hiệu rõ ràng cho một ngành đang trưởng thành.

Văn phòng chia sẻ vươn ra toàn cầu

Không gian văn phòng chia sẻ có thể được tìm thấy gần như ở mọi thành phố lớn khắp thế giới. IWG, công ty phát triển văn phòng chia sẻ lớn nhất thế giới, được thành lập ở Bỉ và thâm nhập vào London trước khi mua lại Spaces để đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường Mỹ.

SoftBank đã đầu tư hơn 4 tỉ USD vào WeWork, phần lớn trong số này nhằm thúc đẩy mở rộng tại thị trường châu Á, bao gồm việc mua lại nhà phát triển văn phòng chia sẻ lớn nhất Singapore Spacemob. Công ty đặt mục tiêu có mặt tại hàng loạt thành phố ở Đông Nam Á trong năm 2018. M&A cũng diễn ra với Ucommune (Trung Quốc). Công ty này đã mua lại Wedo và Woo Space, hai trong số nhà phát triển văn phòng chia sẻ nổi bật ở Đông Nam Á. Impact Hub, một nhà phát triển có tiếng khác, cũng mở được 8 địa điểm ở Nam Mỹ, còn WeWork, Regus và các nhà phát triển khác cũng thông báo kế hoạch mở rộng ở khu vực Mỹ Latin.

Công ty lớn có xu hướng sử dụng văn phòng chia sẻ

Doanh nghiệp lớn như IBM, Verizon, KPMG và Microsoft đang thử nghiệm không gian văn phòng chia sẻ, và một số doanh nghiệp này còn có ý định rót vốn cho quỹ đầu tư văn phòng chia sẻ. Một vài công ty đang chuyển toàn bộ đội ngũ nhân sự vào làm việc trong văn phòng chia sẻ. Bằng cách đặt đội ngũ nhân sự vào làm việc trong một môi trường văn phòng với nguồn lực công nghệ và nhân tài, các công ty lớn có thể bắt kịp với các xu thế đang diễn ra trong ngành. Đội ngũ của họ có thể tiếp cận tốt hơn với đổi mới, giáo dục với chi phí bất động sản ban đầu giảm và linh hoạt hơn.

Theo Recode, những công ty có hơn 1.000 nhân viên hiện đang chiếm 25% doanh thu hàng năm của WeWork. WeWork cho biết con số này gia tăng 250% trong năm 2017, kỳ vọng một đà tăng trưởng mạnh mẽ còn tiếp tục trong phân khúc khách hàng lớn.

Trường Bùi

truong.bui
Bạn đang đọc bài viết "Các xu hướng chính của văn phòng chia sẻ" tại chuyên mục Bất động sản.