Đạm Cà Mau chính thức “thâm nhập” vào thị trường Úc và Newzealand

Cao Tuấn

22/02/2024 08:57

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Càm Mau, Hose: DCM) đang khẩn trương chuẩn bị lô hàng phân bón chất lượng cao để chính thức xuất khẩu sang các thị trường Australia và New Zealand. Đây là tín hiệu khả quan đồng thời thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đạm Cà Mau để từng bước đưa sản phẩm thâm nhập và vươn ra thị trường các nước trên thế giới.

Nhằm chủ động hơn nữa trong hoạt động kinh doanh quốc tế, Đạm Cà Mau luôn bám sát tình hình thị trường phân bón thế giới. Công ty tìm kiếm cơ hội xuất khẩu dù là nhỏ và hiếm hoi trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2023, Đạm Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu. Điểm nổi bật chính là mảng xuất khẩu.

Tính đến nay, sản phẩm của Đạm Cà Mau đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Sau khi có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, Đạm Cà Mau tiếp tục chính phục thị trường khó tính

a1-1708566887.jpeg
Nhộn nhịp sinh khí xuất hàng tại cảng của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Theo các chuyên gia, Úc và New Zealand là hai trong số các thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón. Trong suốt thời gian qua, Đạm Cà Mau từng bước cải thiện chất lượng từ dịch vụ vận chuyển, bốc xếp cho đến khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Đạm Cà Mau chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất cho khách hàng với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới.

Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho 18 nước đã có mặt sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau từ năm 2023. Công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác. Trong đó, hai thị trường tiềm năng Úc và New Zealand luôn được Công ty xác định và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ bấy lâu nay.

Hiện tại, Đạm Cà Mau đang chuẩn bị cho lô hàng đầu tiên xuất khẩu sản phẩm Urê hạt đục sang thị trường New Zealand. Đây là một thị trường sẵn sàng trả giá rất cao so với các nước khác nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Công ty cũng đang dần hoàn thiện thủ tục cuối cùng để được cấp phép nhập khẩu sản phẩm Urê hạt đục của Đạm Cà Mau vào thị trường Úc. Khi đó, Đạm Cà Mau sẽ chính thức chinh phục được vào hai thị trường khó tính nhất của thế giới

a2-1708566888.jpeg
Phân bón Cà Mau hoàn thiện cao nhất từ chất lượng sản phẩm cho đến dịch vụ, kho bãi vận chuyển hàng hóa xuất kho.

Một năm mới, một mùa Xuân mới khởi động bằng những lô hàng chất lượng cao thâm nhập vào hai thị trường mới với tiềm năng vượt trội. Đây là tín hiệu vui cho sự nỗ lực không ngừng của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty luôn thích ứng, linh hoạt cùng đoàn kết kiến tạo giá trị ngày một bền vững hơn, thịnh vượng hơn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 648,9 triệu USD, giá trung bình 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng, giảm 40,7% về kim ngạch và giảm 32,9% về giá so với năm 2022.

Riêng thị trường Campuchia, chiếm 38% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 584.929 tấn, tương đương 246,69 triệu USD, giá trung bình 421,7 USD/tấn, tăng 20,9% về lượng nhưng giảm 3,2% kim ngạch và giá giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 89.297 tấn, tương đương 35,03 triệu USD, giá trung bình 392,3 USD/tấn, tăng 0,12% về lượng, giảm 46,8% kim ngạch và giảm 46,6% về giá, chiếm 5,8% trong tổng khối lượng và chiếm 5,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 97.250 tấn, tương đương 33,78 triệu USD, giá trung bình 347,3 USD/tấn, giảm mạnh 22,8% về lượng, giảm 48,3% kim ngạch và giá giảm 33%, chiếm 6,3% trong tổng khối lượng và chiếm 5,2% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu sang khối RCEP đạt hơn 954.200 tấn, tương đương 398,9 triệu USD, tăng 0,94% về lượng, giảm 28,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 106.768 tấn, tương đương 37,9 triệu USD, giảm 28,6% về lượng, giảm 53% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 855.392 tấn, tương đương 359,7 triệu USD, tăng 2,7% về lượng, giảm 24,4% kim ngạch.

Cao Tuấn