Doanh nhân Phạm Ngô Quốc Thắng “đi chợ” trong thế giới phẳng

thunguyen

30/11/2018 00:52

Vốn là kĩ sư IT nhưng cơ duyên cuộc đời đưa Phạm Ngô Quốc Thắng đến với nông nghiệp. Để rồi từ những trăn trở với nông sản, anh đã khoác áo toàn cầu cho rau củ quả Việt Nam.

49540947-10205460585550788-5635930637853523968-n-1611303662.jpg
Doanh nhân Phạm Ngô Quốc Thắng trên trang bìa của Tạp chí Nhà Quản Lý số 100 xuân Đinh Dậu 2017

Câu chuyện nông sản Việt Nam thua ngay trên sân nhà là nỗi xót xa của những ai tâm huyết với nông nghiệp. Doanh nhân Quốc Thắng cũng không ngoại lệ. Ở một đất nước thuần nông, nhiệt đới nhưng rau củ, trái cây Việt Nam vẫn lẹt đẹt với quy mô “cây nhà lá vườn”.

Chìa khóa công nghệ

Khởi nghiệp từ dự án trà sữa và cà phê, những lần qua Hàn Quốc làm việc với đối tác, chàng trai 8X Phạm Ngô Quốc Thắng nhìn thấy thị trường rộng lớn cho rau quả Việt Nam. Phân tích thêm, Thắng nhận ra điểm yếu chung của nông sản trong nước chính là: tiêu chuẩn vùng trồng không tốt, vùng trồng manh mún khiến chi phí vận chuyển, bảo quản cao với tỉ lệ hao hụt sản phẩm lớn, sản phẩm nông dân làm ra bị nghi ngờ về độ an toàn, công nghệ chế biến lạc hậu và không kém phần quan trọng đó là khâu quảng bá, truyền thông, tiếp thị kém. Đây là những nguyên nhân khiến đối tác nước ngoài không để ý đến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Từ nhận định chính xác thực trạng trên, Thắng bắt tay xây dựng đề án doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Cách làm của Thắng là tìm hiểu đòi hỏi gắt gao của thị trường quốc tế rồi quay về Việt Nam tìm cách đáp ứng. “Xưa nay chúng ta sản xuất ra sản phẩm rồi mới đi tìm thị trường. Hành trình này đầy rủi ro bởi độ vênh giữa sản phẩm mà chúng ta làm ra với đòi hỏi của thị trường là rất lớn. Cách làm của chúng tôi là đi tìm hiểu thị trường trước, lắng nghe tín hiệu của thị trường rồi sau đó tổ chức sản xuất. Thị trường sẽ định hướng chúng ta làm cái gì, với chất lượng như thế nào,” doanh nhân Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Lavifood, phân tích. Mấu chốt của đòi hỏi này gói gọn trong hai chữ: công nghệ!

Năm 2014, Lavifood ra đời tại Long An. Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư thiết bị chế biến từ châu Âu cho toàn bộ dây chuyền. Bên cạnh đó, Lavifood đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lí chất lượng như ISO 22000:2005, HACCP, KOSHER, BRC và HALAL. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông sản là quá trình quan trọng để Lavifood hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản.

Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, Lavifood đã xuất hơn 10.000 tấn thành phẩm gồm nhiều loại trái cây sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…

“Trước đây, Việt Nam bị thế giới xem là vùng nông nghiệp ít an toàn, chỉ vì tập quán canh tác lạc hậu của nông dân và lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Lavifood hiểu yêu cầu gắt gao về an toàn và đã xây dựng chuỗi giá trị từ cây giống, vùng nguyên liệu, chế biến, đóng gói và vận chuyển. Để tạo ra chất lượng sản phẩm tốt nhất, ngoài công nghệ, công ty đã kí hợp bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất,” doanh nhân Phạm Ngô Quốc Thắng nói.

Tầm nhìn lãnh đạo

Thực ra, chuỗi giá trị là một mô hình kinh tế định hướng thị trường, trong đó một trong các yếu tố quan trọng là tầm nhìn của lãnh đạo từ cấp cao đến địa phương về nông nghiệp để định hướng phát triển vùng nguyên liệu.

Sau Long An, Lavifood mở rộng quy mô về Tây Ninh, địa phương đang nuôi kì vọng trở thành “thủ phủ nông sản Việt Nam”. Trong chiến lượt phát triển nông nghiệp chất lượng cao, Tây Ninh dành hẳn quỹ đất lên đến 1.800 hecta cho nhà đầu tư nông nghiệp theo chuỗi và không giấu quyết tâm nâng GDP bình quân đầu người từ 1.500 USD lên 5.000 USD/năm nhờ nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh không ngại mời gọi các chuyên gia hàng đầu về tư vấn, triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cùng các chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Trong hơn một năm qua, Tây Ninh đã mời các chuyên gia của Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và nhóm nghiên cứu Fulbright về “khám sức khỏe” để từ đó tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh và quyết định đặt cược vào nông nghiệp công nghệ cao. Nắm bắt khát vọng đó của vùng đất biên giới, Lavifood mạnh dạn đầu tư tại Tây Ninh nhà máy Tanifood 1.500 tỉ đồng, sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Công suất của nhà máy lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Nếu chạy hết công suất, Tanifood sẽ đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm.

Lavifood nhanh chóng tạo sự yên tâm cho nông dân địa phương bằng cách kí hợp đồng bao tiêu hai sản phẩm chính là chanh dây và khóm ở Tây Ninh. Theo hợp đồng có hiệu lực từ tháng 7.2017, Lavifood mua toàn bộ sản phẩm chanh dây đã được phân loại sau khi thu hoạch trên diện tích 125 hecta của 3 nông dân Nguyễn Văn Còn (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), Đoàn Văn Hữu và Nguyễn Thanh Cường (xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) với giá cố định 8.000 đồng/kg (giao hàng tại nhà máy). Lavifood cũng cam kết mua sản phẩm trên diện tích 200 hecta khóm của ông Nguyễn Văn Sáu (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) và 35 hecta khóm của ông Dương Thanh (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) với giá cố định 6.000 đồng/kg (loại 1 kg/quả trở lên) và 4.500 đồng/kg (loại 1 kg/quả trở xuống). Ngoài ra, các sản phẩm như bưởi, xoài, ổi… cũng được công ty mua tại địa phương.

“Quản lý địa phương và quản trị doanh nghiệp đều phải chú trọng đến các chính sách đúng đắn để phát triển. Tôi hi vọng Chính phủ, Nhà nước và các địa phương tạo thêm các điều kiện về nguồn vốn, chính sách ngân hàng để doanh nghiệp có điều kiện hơn cho đầu tư công nghệ cao và nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Khi đó, nông sản Việt Nam dễ tiếp cận thị trường thế giới hơn,” doanh nhân Quốc Thắng chia sẻ.

Chiếm lĩnh thị trường

Ngày 17.9.2015, Lavifood đón sự kiện quan trọng: Chủ tịch tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, ông Chung Mong-Hyuck, đến tham quan nhà máy và kí hợp đồng mua nông sản. Tháng 5.2016, chỉ riêng trái xoài, Lavifood đã đạt được giá trị hợp đồng 1 triệu USD với Semiwon Food (Hàn Quốc). Bắt tay Hyundai và Semiwon Food để đưa trái cây Việt Nam tới thị trường Hàn Quốc không phải là chuyện ngẫu nhiên chợt đến với Lavifood vào một ngày đẹp trời. Đó là kết quả của một quá trình đi tìm hiểu, nghiên cứu các tiêu chuẩn và đòi hỏi của thị trường để về tổ chức sản xuất của doanh nhân trẻ Phạm Ngô Quốc Thắng. Cái bắt tay với Hyundai là một dấu mốc quan trọng để hiện nay, Lavifood mở rộng cánh cửa ra nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu…

“Lavifood làm ra các sản phẩm chất lượng cao nhưng giá thành thấp hơn để phục vụ phân khúc thấp hơn một chút. Sau đó chúng tôi sẽ tạo ra thương hiệu thực sự mạnh để cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các quốc gia khác. Khi các hiệp định thương mại tự do được hình thành vào giai đoạn 2020 – 2025, chúng ta sẽ có các thương hiệu đủ mạnh để vươn ra thế giới. Đó là lí do chúng tôi ưu tiên hàng đầu cho công nghệ,” Quốc Thắng vạch ra một lộ trình dài hạn. Tầm nhìn của Lavifood, theo doanh nhân Quốc Thắng, là đạt vị trí số 1 Việt Nam, top 5 Đông Nam Á, top 10 châu Á, top 20 thế giới về chế biến rau củ quả trong 10 năm tới.

Thị trường thế giới hiểu nôm na là một cái chợ khổng lồ, luôn tấp nập người mua nhưng cũng đầy những kẻ bán có năng lực cạnh tranh mạnh. Giữa cái chợ ấy, Quốc Thắng đã đến tìm hiểu yêu cầu, tham quan cách thức sản xuất, mua bán rồi tìm cách đáp ứng. Cách làm của anh không chỉ mang về lợi nhuận cho Lavifood mà còn tạo nên sự thay đổi sâu rộng trong cách thức canh tác, trong tư duy làm nông nghiệp của người dân địa phương ở những nơi Lavifood hợp tác sản xuất, từ đó tạo ra sự cải thiện hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Năm 2017, ngành rau củ quả Việt Nam tăng trưởng 40,5% so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,45 tỉ USD, cao hơn xuất khẩu gạo dù diện tích trồng chỉ bằng 40%. Điều đáng nói là dù lập được kỉ lục nhưng chúng ta hiện chỉ chiếm 1% thị phần rau quả thế giới. Giữa cái chợ mênh mông ấy, cơ hội để rau quả Việt Nam, để Lavifood của Phạm Ngô Quốc Thắng mở rộng hơn sự hiện diện của mình là rất lớn.

thunguyen