Góc nhìn chuyên gia: Thực trạng bảo hiểm nhân thọ hiện nay, đâu là lỗ hỏng cần phải thay đổi ?

Công Minh

17/04/2023 13:02

Thời gian qua, vụ việc mua bảo hiểm nhân thọ của diễn viên Ngọc Lan nhận được nhiều sự quan tâm của dự luận. Một lần nữa, vấn đề bảo hiểm nhân thọ nổi lên và gây ra nhiều tranh luận trong xã hội. Vậy đâu là lỗ hỏng của bảo hiểm hiện nay? Liệu có nên mua bảo hiểm hay không?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 12/12/2022, thị trường bảo hiểm có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (với tổng tài sản ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Trong đó tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117.229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng.

Cùng đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của 79 doanh nghiệp ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm 2021. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.392 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 125.422 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả 40.600 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,56% so với năm 2021.

image001-pous-1681710561.jpg
Ảnh minh họa.

Trong năm 2022, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32.901 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ ước đạt 493.658 tỷ đồng.

Lỗ hổng dẫn đến mất niềm tin về bảo hiểm?

Qua sự việc của diễn viên Lan Ngọc, một nhân viên có kinh nghiệp lâu năm trong tư vấn về bảo hiểm chia sẻ, hiện nay, có không ít tư vấn vì chạy theo

chỉ tiêu và chiết khấu hoa hồng cao nên đã đặt mục tiêu bán được bảo hiểm lên hàng đầu, thay vì tư vấn đầy đủ và trung thực cho khách hàng. Điều này dẫn đến nhiều điều khoản, quy trình yêu cầu phải khai trung thực như tình trạng sức khỏe của khách hàng đã bị bỏ qua. Kết quả là khi xảy ra sự cố, khách hàng không được bồi hoàn dẫn đến khiếu nại.

Phân tích cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết các điều khoản có trong hợp đồng bảo hiểm được cơ quan pháp luật hoặc doanh nghiệp (DN) bảo hiểm quy định theo mẫu cố định, trong đó quy định cụ thể về các điều khoản như điều kiện bảo hiểm, mức phí. Hợp đồng này mang tính bắt buộc với các chủ thể theo quy định, hướng đến mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm tự nguyện sẽ do DN bảo hiểm đưa ra và việc tham gia hay không do người mua bảo hiểm quyết định. Đây là nguyên tắc tự nguyện trong BHNT, không cá nhân hay tổ chức nào được phép ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm, pháp luật bảo vệ quyền tự do lựa chọn của người dân.

Dù vậy, từ các vụ việc đã xảy ra, luật sư Hà cho rằng Bộ Tài chính cần phải có biện pháp bịt ngay những lỗ hổng BHNT. Cụ thể là rà soát lại hoạt động của tất cả công ty bảo hiểm trong việc phân phối sản phẩm; quy định chặt chẽ hơn trong thẩm định các sản phẩm của các công ty bảo hiểm trước khi cấp phép phát hành ra thị trường. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đại lý bảo hiểm. 

bao-hiem-nhan-tho-phi-nhan-tho-1681710652.jpg
Ảnh minh họa.

Còn theo Luật sư Lương Văn Trung, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC): “Bảo hiểm là một sản phẩm tài chính phức tạp. Các nước phát triển đều có tỉ lệ dân mua bảo hiểm rất cao (thường là trên 60%) và việc rủi ro ít xảy ra là do người mua được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.

Lời khuyên khi mua BHNT là đừng vì cả nể với một đại lý bảo hiểm mà nhắm mắt ký hợp đồng. Đừng ký vào biên bản xác nhận đã được tư vấn đầy đủ khi chưa thực sự đã được tư vấn và cũng đừng bao giờ để đại lý trả lời hộ mình phần sức khỏe (hay tiền sử về bệnh tật và sức khỏe).

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội: “Hợp đồng BHNT cũng là hợp đồng dân sự trên cơ sở thỏa thuận giữa bên bán và bên mua. Khách hàng khi tham gia bảo hiểm nên tìm hiểu kỹ hợp đồng, không nên chỉ quan tâm đến số tiền đóng, lợi ích mang lại mà quên đi các điều khoản đi kèm.

Bộ Tài chính cũng cần sớm kiểm tra, rà soát vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm sau những phản ánh của người dân, vừa để bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm vừa để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Trước sự việc của diễn viên Lan Ngọc, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng ban hành Công văn số 453/QLBH-NT về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của DN bảo hiểm, yêu cầu các DN bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Thời gian qua, có nhiều người dân bị ngân hàng ép mua bảo hiểm mới giải ngân hoặc vay với lãi suất ưu đãi. Về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho rằng, đây là một nội dung quan trọng cần xử lý. Theo đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã yêu cầu các DN bảo hiểm hội viên tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ bảo hiểm cho cán bộ ngân hàng bán bảo hiểm. DN bảo hiểm phải có những yêu cầu cụ thể đối với ngân hàng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên ngân hàng được phân công và có những hình thức xử lý kỷ luật nếu nhân viên vi phạm.

Công Minh