Hội Nhà văn Hà Nội tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời cho Nhà văn Ma Văn Kháng

Trần Tùng

27/12/2023 17:03

Ngày 27/12 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, trao giải thưởng, tặng thưởng văn học và kết nạp hội viên mới.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, Nhà thơ Trần Gia Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, các hoạt động Hội ổn định, đi vào chiều sâu. Trong đó, Hội đã tổ chức 4 cuộc tọa đàm về văn xuôi, về lý luận phê bình văn học với chủ đề Tiểu thuyết lịch sử - những chuyển động, về văn học dịch với nghệ thuật dịch thơ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và Văn học trẻ với các tác giả điển hình trong xu hướng sáng tác đổi mới. 

Ngoài ra, Hội cũng duy trì thường xuyên 10 buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tháng nhằm giới thiệu, đánh giá chung về sáng tác văn học, thành tựu, giới thiệu về tác phẩm và tác giả. Thường xuyên tổ chức các chuyến đi dã ngoại, tìm hiểu thực tế sáng tác tại các địa phương khác cho hội viên và tổ chức đi dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam… Trong số các nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước mới đây, có 5 hội viên thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

hoi-nha-van-ha-noi-pld-1703692904.jpg
 Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, trao giải thưởng, tặng thưởng văn học và kết nạp hội viên mới Hội Nhà văn Hà Nội.

Hướng đến năm 2024, Hội đã có những kế hoạch cụ thể như: đẩy mạnh tiến độ chuẩn bị thống nhất với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu; tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn theo kế hoạch hằng năm - trong đó ở các buổi sinh hoạt chuyên đề sẽ rút kinh nghiệm để khâu tổ chức được khoa học, hiệu quả hơn theo chủ đề của tháng và phân bố phù hợp với các lĩnh vực chuyên môn.

Phát biểu tại Hội nghị, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp mà Hội Nhà văn Hà Nội đã đạt được trong năm 2023.

“Nhiều điểm sáng về chuyên môn, các sinh hoạt chuyên đề đều đặn của Hội trong năm qua nên được phát huy. Đây là thế mạnh cần được duy trì và phát triển mang tính tiếp nối thế hệ. Năm 2024 là năm có nhiều lễ kỷ niệm lớn, đặc biệt là dịp Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Tiếp đó, 2025 là năm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật nước nhà. Tôi hi vọng các văn nghệ sĩ sẽ cùng đoàn kết, tích cực hưởng ứng các cuộc phát động của Hội Liên hiệp, đồng hành với các sự kiện lớn của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.” – NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Hội Nhà văn Hà Nội đã tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời cho Nhà văn Ma Văn Kháng, là hội viên lâu năm, có uy tín trong suốt quá trình sáng tác và có bề dày cống hiến cho văn học nước nhà. Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng (tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn) được coi là một trong những cây bút sung sức bậc nhất nền văn học Việt Nam hiện đại, sở hữu một gia sản văn chương đồ sộ với hàng trăm tác phẩm văn học được yêu thích, ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký với đề tài đa dạng về miền núi, gia đình, thiếu nhi... Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín trong suốt sự nghiệp và đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012.

nha-van-ma-van-khang-pld-1703692904.jpg
Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho Nhà văn Ma Văn Kháng (người thứ hai từ trái sang) và Nhà văn Vũ Bình Lục (người thứ tư từ trái sang).

Về Giải Hội Nhà văn Hà Nội năm nay, không có tác phẩm văn xuôi, thơ và văn học dịch được trao giải. Hội Nhà văn Hà Nội chỉ trao giải cho tập “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” của Nhà văn Vũ Bình Lục, thuộc thể loại lý luận, phê bình văn học. Tập “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn”, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023, dày hơn 800 trang. Tác giả đã kỳ công nghiên cứu từ thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn, tuyển chọn, dịch thơ và bình giải 400 trong tổng số khoảng 550 bài thơ chữ Hán của Quế Đường tiên sinh, hiện mới sưu tầm được.

Theo nhận xét của Hội đồng chuyên môn, đây là một công trình nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học khá công phu. Tác giả đã tích hợp các phương pháp lý luận truyền thống hòa quyện cùng với nghệ thuật phê bình văn học đương đại, vừa hấp dẫn, vừa nghiêm cẩn, giữ cung nhịp uyên bác của tác giả. 400 bài thơ chữ Hán được Nhà văn Vũ Bình Lục chủ yếu chuyển ngữ ra thơ lục bát, song thất lục bát truyền thống, uyển chuyển, mà vẫn bảo đảm được các tiêu chí tín, đạt và nhã, qua đó giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784).

Nhân dịp này, Hội Nhà văn Hà Nội cũng trao quyết định kết nạp hội viên cho 24 tác giả, trong đó có 7 người ở lĩnh vực văn xuôi; 14 người ở lĩnh vực thơ; 2 người ở lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và 1 người ở lĩnh vực văn học dịch.

Trần Tùng