Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trưởng bất chấp khủng hoảng

thunguyen

25/07/2020 08:15

Những quy định thuận lợi về việc trích lập dự phòng giúp các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận ngay trong giai đoạn khủng hoảng.

Trong khi các ngân hàng lớn trên thế giới đồng loạt báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận, ngân hàng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận gần 10% trong nửa đầu năm 2020 - theo dữ liệu từ FiinGroup.

Riêng trong QII.2020, một số ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức cao trên 20%, bao gồm VPBank (44%), HDBank (38,5%), Vietinbank (37,7%), TPBank (33,5%) và VIB (26,8%).

Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng trong điều kiện các doanh nghiệp và người tiêu dùng hầu hết đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Triển vọng kinh tế ảm đảm khiến khả năng mở rộng kinh doanh và thanh toán các khoản nợ đến hạn suy giảm, đặt các ngân hàng trước nguy cơ không thu hồi được nợ và không tìm được các doanh nghiệp khả quan để cho vay. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 2,45%, là mức tăng thấp nhất trong năm năm trở lại đây, theo Tổng cục Thống kê.

Trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp một ngân hàng thương mại cho biết từ đầu năm đến nay ngân hàng chủ yếu tái cơ cấu các khoản nợ cũ mà và hầu như hạn chế cho vay các khoản mới do lo ngại nợ xấu trong tương lai.

Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước ban hành giữa tháng 3.2020 đã khuyến khích các ngân hàng trong nước cho vay giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dịch bệnh. Thông tư này cho phép các ngân hàng hạch toán các khoản nợ được tái cơ cấu do dịch bệnh COVID-19 vào nhóm các khoản nợ đủ chuẩn, do vậy không phải trích lập dự phòng. Đây là điểm khác biệt đáng kể giữa các chuẩn mực kế toán tại Việt Nam và các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Với các ngân hàng lớn trên thế giới, việc trích lập dự phòng theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

"Các chuẩn mực kế toán hiện đại đã đưa các khoản dự phòng này về đúng bản chất, đánh giá mức độ rủi ro của các khoản vay theo các chỉ tiêu định tính, do đó chính xác hơn” - ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc AFA Research and Education nhận định. Đó chính là lý do khi dịch bệnh mới chỉ lây lan cao điểm trong chỉ một tháng cuối quý I.2020, các ngân hàng lớn trên thế giới đã đồng loạt trích lập dự phòng các khoản cho vay doanh nghiệp/cá nhân, kéo lợi nhuận giảm sâu. Tình hình kinh doanh các ngân hàng này thậm chí tiêu cực hơn trong quý II.2020.

Linh Anh

thunguyen