Người Việt ăn 8,5 tỷ gói mì/năm, chi 8.500 tỷ đồng mua trà sữa: Masan ngày càng 'ăn nên làm ra'

Hồng Anh

29/08/2022 10:47

Mì ăn liền vốn là sản phẩm đem về doanh thu rất lớn cho Masan bấy lâu nay. Giờ đây khi mua lại chuỗi trà sữa Phúc Long, Masan có vẻ nhắm tới vị trí cầm trịch trên thị trường trà sữa Việt Nam.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội mỳ thế giới (WINA), tiêu thụ mỳ gói tại Việt Nam tăng vọt trong năm 2020 và 2021, tức 2 năm cao điểm của đại dịch Covid-19. Vượt qua Ấn Độ và Nhật Bản, trong năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 về tiêu thụ sản lượng mỳ gói với 7 tỷ gói (tăng 29%) và năm 2021, Việt Nam tiêu thụ hơn 8,5 tỷ gói mỳ (tăng 22%). Xét về tốc độ tăng trưởng, không có thị trường nào trong top 10 vượt được Việt Nam.

Tờ Koreal Herald của Hàn Quốc cho biết, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc về mức tiêu thụ mì gói trên đầu người, trung bình 1 người Việt Nam ăn khoảng 87 gói mỳ mỗi năm trong khi người Hàn Quốc trung bình có 73 gói. Mức tiêu thụ của mỗi người Việt Nam đã tăng đều đặn từ 55 phần vào năm 2019, lên 72 phần 2020 và 87 phần vào năm 2021.

Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Suốt nhiều năm, Acecook với thương hiệu mỳ Hảo Hảo vẫn luôn dẫn đầu thị trường về doanh thu và xếp thứ hai chính là là Masan Consumer, thành viên của CTCP Tập đoàn Masan với các thương hiệu Omachi, Kokomi.

Năm 2021, doanh thu của Acecook đạt 12.263 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỷ đồng. Bám sát ngay sau đó, doanh thu từ mỳ của Masan Consumer đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 28% và tương đương 72% doanh thu của Acecook.

Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang có lợi thế từ hệ sinh thái khổng lồ tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích WinMart/Winmart+ hàng nghìn điểm. Theo số liệu từ báo cáo phân tích của CTCK VNDIRECT, mì ăn liền Omachi thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần.

vinmart-2583-1621835843-162183-8450-4237-1621835999-1661682218.jpg
 

Ở thị trường trà sữa, Masan đã mua lại chuỗi trà sữa – cà phê Phúc Long nổi tiếng và nhanh chóng “nhân” ra hàng trăm điểm bán tích hợp trong chuỗi Winmart/Winmart+ theo mô hình "Kiosk Phúc Long". Thị trường trà sữa rộng lớn ở Việt Nam chưa có “người cầm trịch” và Masan có lẽ nhắm đến vị trí này.

Báo cáo được Momentum Works và qlub công bố mới đây cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ ba Đông Nam Á với quy mô 362 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Nói cách khác, người Việt Nam chi hơn 8.500 tỷ đồng để mua trà sữa trong năm qua.

Báo cáo của Reputa – đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu trên Internet - tháng 7/2022 cho biết, trong ngành F&B, trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm hơn 38% thảo luận của người dùng. Kế đến là Trà (chiếm 26,03%), Nước ép và Cà phê (cùng tỷ lệ 14,98%)...

Nghiên cứu của Momentum Works nhấn mạnh giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trà sữa của khách hàng. Thay vào đó, quyết định chọn thương hiệu nào tùy thuộc vào các loại sản phẩm tại cửa hàng, cũng như số lượng cửa hàng mà thương hiệu đó có. Vì thế Phúc Long đang có lợi thế rất lớn.

Masan mua Phúc Long Heritage lần đầu tiên vào tháng 5/2021 với tỷ lệ 20% cổ phần, giá 346 tỷ đồng, tương đương mức định giá 1.728 tỷ đồng (75 triệu USD). Vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỷ đồng, tương đương mức định giá 8.034 tỷ đồng và chuyển từ công ty liên kết thành công ty con sở hữu gián tiếp.

Ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp, đã mua 10.837.500 cổ phiếu tương đương 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với tổng số tiền thanh toán là 3.617.700 triệu VND. Như vậy, định giá cho Phúc Long tiếp tục được nâng lên mức 10.640 tỷ đồng (450 triệu USD).

Với giao dịch này, lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%.

Được biết, sau khi về với Masan, doanh thu của Phúc Long trong 6 tháng đầu năm đạt 820 tỷ đồng.

Hồng Anh