Phục hồi suối Cheong Gye Cheon - bài học từ Seoul

thunguyen

05/09/2019 15:55

Từ một đất nước hoang tàn sau nội chiến, một dòng suối chạy xuyên trung tâm thủ đô bị xuống cấp, ô nhiễm, chính quyền Seoul đã cải tạo dòng suối thành một điểm nhấn đẹp xinh của thành phố.

Tại Toạ đàm Đô thị thông minh - hướng tới quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố Hồ Chí Minh, ông Bahk Keon Kyu - Giám đốc marketing & Kiến trúc sư, Mooyoung Architects & Engineers đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành phố Seoul, đặc biệt là việc cải tạo phục hồi con suối Cheong Gye Cheon.

Ông Bahk Keon Kyu - người trực tiếp tham gia dự án phục hồi suối Cheong Gye Cheon phát biểu tại toạ đàm (Ảnh: Nhà Quản Lý)
Ông Bahk Keon Kyu - người trực tiếp tham gia dự án phục hồi suối Cheong Gye Cheon phát biểu tại toạ đàm (Ảnh: Nhà Quản Lý)

Là con suối dài gần 14km chạy xuyên suốt thành phố, Cheong Gye Cheon chứng kiến những thăng trầm của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) từ khi vừa thành lập vào thế kỷ 14 đến nay. Năm 1968, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau nội chiến, tổng thống Syngman Rhee đã cho san lấp dòng suối và xây dựng trên nó một xa lộ trên cao. Cầu vượt đã có vai trò quan trọng trong bức tranh giao thông đô thị Seoul lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tình hình dần trở nên quá tải và vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền thủ đô Seoul.

Những năm 2000, ước tính có trên 6.000 toà nhà cùng hơn 100.000 cửa hàng nhỏ và những khu vực thương mại xuống cấp mọc lên dày đặc quanh cây cầu, và cây cầu bắt đầu xuất hiện những điểm nứt. Hậu quả trước mắt, trong vòng 10 năm, xung quanh khu vực Cheong Gye Cheon đã mất đi 80 nghìn việc làm, giảm 40 nghìn người dân. Các trụ sở kinh doanh đã bắt đầu chuyển về Gangnam cùng các vùng phía nam thành phố.

Một dự định táo bạo được ông thị trưởng thành phố lúc bấy giờ là Lee Myung-bak - sau trở thành tổng thống Hàn Quốc đưa ra: khôi phục dòng suối Cheong Gye Cheon. Không chỉ dỡ bỏ con đường bê tông đã tồn tại hàng chục năm, dự án này còn đòi hỏi bơm một lượng nước khổng lồ, khoảng hàng trăm nghìn tấn mỗi ngày.

Từ năm 2003, dự án khôi phục suối bắt đầu bằng việc bơm mỗi ngày 120 nghìn tấn nước từ Sông Hàn, 22 nghìn tấn từ nguồn nước ngầm với chất lượng ở mức số hai, đủ để cá tôm sống tốt. Hệ thống nước thải được thiết kế với dung lượng gấp 3 lần lượng thải thực tế, cùng với việc cân nhắc tình hình lũ lụt trong thời gian hai thế kỷ. Xung quanh bờ suối được quy hoạch nhiều con đường trồng cây và cỏ, với hệ thống chiếu sáng. Là con suối xuyên qua thành phố, Seoul xây dựng 22 cây cầu bắc qua suối ngay từ bước đầu thiết kế để nối các con đường hai bên suối.

Khung cảnh một đoạn suối khi đã được khôi phục (Ảnh: Flickr)
Khung cảnh một đoạn suối khi đã được khôi phục (Ảnh: Flickr)

Việc khôi phục Cheong Gye Cheon gặp nhiều thách thức, đối mặt với nhu cầu đi lại của người dân trên con đường cao tốc cũ, và kế sinh nhai của các hộ xung quanh đường cao tốc. Lưu lượng giao thông lúc bấy giờ ở vào khoảng 170.000 phương tiện/ngày. Tính trước những khó khăn, chính quyền thành phố Seoul đã đưa ra những giải pháp sát sao như xây dựng làn đường trung tâm, các tuyến xe bus, hạn chế phương tiện cá nhân, tư vấn tái định cư cho các hộ kinh doanh, giảm tiền bãi đỗ xe, hỗ trợ tín dụng….

Sau hai năm, dự án hoàn thành, Cheong Gye Cheon chính thức được tái phục hồi với cảnh quan đô thị sạch đẹp. Để đánh giá chất lượng dự án, Seoul tổ chức giám sát môi trường, sinh thái, giao thông, giá bất động sản xung quanh khu vực sau hoàn thành. Kết quả cho thấy các chỉ số về không khí, mức độ ô nhiễm, nhiệt độ… đều được cải thiện đáng kể so với trước. Tính đến tháng 7.2005, nhiệt độ khu vực Cheong Gye Cheon đã giảm 3,6 độ so với hai năm trước nhờ hiệu ứng lạnh của con suối. Các loài cá bắt đầu đổ về Cheong Gye Cheon, tăng từ mức 15 loài năm 2005 lên 19 loài năm 2007… Vịt và chim cũng bắt đầu đổ về thành phố, một số loài côn trùng hiếm thấy cũng dần xuất hiện…

.

.

.

Điều kiện sống, giao thông cải thiện, giá bất động sản quanh khu vực Cheong Gye Cheon không ngừng tăng kể từ năm 2005. Bộ mặt Seoul thực sự thay đổi sau khi thành phố cải tạo suối Cheong Gye Cheon. Các trung tâm thương mại hiện đại dần mọc lên, có thể kể đến Seoul Plaza, Gwanghwamun Plaza…

Là giám đốc marketing & Kiến trúc sư, Mooyoung Architects & Engineers, ông Bahk Keon Kyu từng ghi dấu ấn thiết kế với các công trình quan trọng tầm quốc gia như Sân bay Changi của Singapore, Sân bay Incheon của Hàn Quốc. Ông Bahk là người trực tiếp tham gia vào dự án khôi phục suối Cheong Gye Cheon.

Ông cũng là một chuyên gia trong thiết kế cho các công trình và hệ thống logistics, với các công trình nổi bật như Trung tâm Logistics thành phố Siheung Chungwang-dong, Trung tâm Logistics Namyangju-si, Hàn Quốc.

Không chỉ là một kiến trúc sư tài ba, ông Bahk cũng là người có kiến thức đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Hiện ông là ủy viên tư vấn của nhiều tổ chức, hiệp hội như Ủy viên tư vấn thu hút đầu tư thành phố Chungji nhiệm kỳ 2019-2021, Ủy viên Hội thẩm Tòa án Tối cao Seoul nhiệm kỳ 2012-2020.

Ông từng nhận giải thưởng vinh dự do Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc trao tặng.


Tạp chí Nhà Quản Lý

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Phục hồi suối Cheong Gye Cheon - bài học từ Seoul" tại chuyên mục Bất động sản.