Quảng Bình: Lễ hội thả cá đầu xuân góp phần bảo vệ môi trường, thu hút du du khách

Đinh Loan

25/02/2024 10:44

Trong khuôn khổ lễ hội Di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc- Lệ Thủy, Giáo sư Nguyễn Anh Trí phối hợp với ban tổ chức lễ hội thả hơn ba tạ cá giống xuống sông Kiến Giang - Lệ Thủy thay lễ phóng sinh, đây là nét đẹp văn hóa, bảo vệ môi trường...

Vào dịp đầu năm mới ở huyện Lệ Thủy - Quảng Bình đã tổ chức lễ hội di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc, được biết năm nay là năm thứ hai Giáo sư, Nguyễn Anh Trí  tài trợ toàn bộ số tiền mua cá giống để thực hiện lễ hội thả cá này.

Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là một cách để thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên, trời đất. Thả cá giống xuống sông được coi là một lễ phóng sinh, tượng trưng cho sự tái sinh và sự phát triển thịnh vượng, an sinh xã hội cho người dân.

Thả cá giống vào sông cũng mang ý nghĩa bảo vệ môi trường và duy trì nguồn lợi thủy sản, tài nguyên cá trong những dòng sông, cánh đồng. Việc thả cá giống giúp tăng cường số lượng cá trong môi trường nước và duy trì sự cân bằng sinh thái. Đồng thời, nó cũng giúp cải thiện chất lượng nước và tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho các loài sinh vật khác.

z5189499974564-712e19eaf606cca3b7bdab14375b4838-1708918913.jpg
Lễ hội thả cá xuống sông Kiến Giang - Lệ Thuỷ thu hút được nhiều người dân tham dự.

Việc thả cá giống vào sông là ý tưởng của Giáo sư, Nguyễn Anh Trí (người con của Quảng Bình) muốn tạo ra một lễ hội thả cá phóng sinh, phong phú, đa dạng văn hóa cộng đồng mang sắc màu dân gian. Người dân và phật tử, du khách, nghệ nhân hò khoan tập trung về một địa điểm chung để thực hiện nghi thức thả cá. Trong lễ hội thả cá có hát hò khoan Lệ Thủy. Hò khoan Lệ Thủy đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy - Trưởng Ban tổ chức: “Việc tạo ra lễ hội  thả cá giống không chỉ giúp mọi người thể hiện lòng biết ơn mà còn tạo ra sự gắn kết và đoàn kết trong cộng đồng, thu hút khách du lịch… Lễ hội thả cá giống xuống sông thay lễ phóng sinh đầu năm không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian mà còn là một biện pháp thực tiễn để bảo vệ môi trường và duy trì nguồn tài nguyên cá. Nét đẹp này cần được nhân rộng và gìn giữ cho thế hệ sau có thể truyền lại cho nhau. Lệ Thủy vùng đất địa linh nhân kiệt, những sản phẩm văn hóa phi vật thể ngày càng được nhân dân trong cả nước biết đến và thu hút du khách đến với vùng đất này. “Lễ hội thả cá đầu xuân” là hoạt động đầy tính nhân văn, bảo vệ môi trường và cần phát huy nhân rộng.”

z5186424751455-16516c32030675979d75b7b06e638707-1708918892.jpg
Nhiều hoạt động văn hoá hấp dẫn thu hút người dân và khách du lịch.

Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo, như: Lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa, lễ khai ấn, lễ phóng sinh, thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo, lễ cúng Phật cầu quốc thái dân an, lễ phát lộc, thả hoa đăng.

Đáng chú là hoạt động rước nước với nghi lễ lấy nước thiêng thờ cúng trong Phật điện, làm nghi thức tắm tượng Phật để cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa. Để dự lễ rước nước thiêng, ban tổ chức đã tuyển chọn những trai tráng ở các làng đua thuyền truyền thống lên thượng nguồn sông Kiến Giang mang về. Bên cạnh đó còn có các hoạt động góp phần bảo tồn văn hóa dân gian và nhiều hoạt động văn hóa thể thao độc đáo của người dân Lệ Thủy như: Dân ca hò khoan Lệ Thủy, hội Bài chòi, thi đấu Cờ tướng, Nhảy bao bố, biểu diễn ảo thuật, biểu diễn Võ thuật cổ truyền, gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các hoạt động về nguồn.

Đinh Loan