Vì sao Bamboo Airways sẽ là 'cục xương khó nhằn' của đại gia Dương Công Minh?

Hồng Anh

26/08/2022 08:54

Ông Dương Công Minh được biết đến là người sáng lập, phát triển đế chế bất động sản Him Lam và có công lớn trong quá trình tái cấu trúc Sacombank. Ở tuổi 62, ông Minh “Xoài” lại bất đắc dĩ bước vào cuộc “cứu” Bamboo Airways

anh-1-1-2136-1660625396-1661478843.jpg

Ông Dương Công Minh (phải) và Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng. Ảnh: BAV

Gần đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, cựu Chủ tịch Him Lam đã chính thức xuất hiện tại Hàng không tre Việt (Bamboo Airways) với vai trò cố vấn cao cấp cho HĐQT.

Như một điều ngầm mặc định ở Việt Nam, người chủ thực sự của một doanh nghiệp, nếu không thể giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thì sẽ làm cố vấn cao cấp. Sacombank từng là chủ nợ lớn của hệ sinh thái FLC với tài sản đảm bảo là hàng triệu cổ phiếu Bamboo Airways, cho nên thị trường cho rằng vai trò của ông Minh không chỉ là cố vấn mà còn đại diện cho nhóm cổ đông mới – người chủ thực sự của Bamboo Airways.

Ông Minh được biết đến là người sáng lập, phát triển đế chế bất động sản Him Lam và có công lớn trong quá trình tái cấu trúc Sacombank. Ở tuổi 62, ông Minh “Xoài” lại bất đắc dĩ bước vào cuộc “cứu” Bamboo Airways.

Hôm qua, báo Tuổi trẻ thông tin, Bamboo Airways thừa nhận đang tái cấu trúc toàn bộ để kiện toàn bộ máy có lộ trình và cần thời gian.

Với các khoản nợ hàng trăm tỉ đồng với công ty cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways từ năm 2021 đến nay, hãng xin được trả dần dần hàng tháng, thậm chí xin giảm giá 10% dịch vụ từ năm 2022 cho đến những năm tiếp theo và đề xuất bỏ vài giới hạn riêng để hãng tìm cách tăng doanh thu bán hàng.

Không chỉ đối tác trong nước của Bamboo Airways đang chờ tín hiệu mạnh tay trả nợ, Bamboo Airways còn đang giải quyết nợ với đơn vị cho thuê máy bay, đặc biệt là dòng máy bay Embraer đang có nhiều đồn đoán về "số phận" có được gia hạn thuê nữa hay không.

Mới đây, nhiều hành khách mua vé của Bamboo Airways từ Melbourne (Úc) - TP.HCM bày tỏ hoang mang khi loạt chuyến bay bất ngờ bị hủy chuyến, phương án của hãng đưa ra: đã mua vé máy bay của hãng khác để đưa khách về Việt Nam, với các khách hàng đã mua vé trước đó sẽ lùi lịch bay hoặc hoàn vé. Trước đó, hãng cũng bất ngờ hủy loạt chuyến bay từ Việt Nam - Nhật Bản.

Được biết, năm 2021, Bamboo Airways lỗ ròng 2.281 tỷ đồng và nửa đầu năm 2022, lỗ 2.680 tỷ đồng. Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, trong 3 năm hoạt động, với các chiến lược để chiếm lĩnh thị phần cùng ảnh hưởng dịch bệnh, Bamboo Airways chủ yếu kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu không đủ bù đắp giá vốn. Chỉ riêng trong 2019 và 2020, nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt lần lượt 1.819 tỷ và 4.647 tỷ đồng là nguyên nhân giúp hãng không mới thành lập này không bị lỗ ròng. 

Như vậy, dù ngành hàng không được đánh giá là ngành sẽ có mức phục hồi ấn tượng sau dịch Covid-19 nhưng Bamboo Airways có lẽ không phải là miếng phô mai mà là cục xương khó nhằn đối với ông Dương Công Minh.

Từ vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, sau 5 năm, hãng đã được tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng tính đến tháng 9/2021. Riêng năm 2021, Bamboo Airways được bơm thêm 11.500 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ gấp 3,4 lần Vietjet và chỉ kém Vietnam Airlines khoảng 3.600 tỷ đồng.

Tại thời điểm lập hồ sơ ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 56,5% vốn Bamboo Airway (trên số vốn 16.000 tỷ đồng); cùng với FLC (hơn 25%) và doanh nghiệp trong cùng hệ sinh tái, tổng tỷ lệ sở hữu cả nhóm liên quan lên đến hơn 94% vốn của hãng hàng không.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, Bamboo Airways có khả năng sẽ chưa thể gia tăng công suất trong năm nay, thị phần có thể sụt giảm do cạnh tranh mạnh mẽ khi toàn ngành phục hồi.

 

Hồng Anh