27 phút thần tốc cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Theo Tâm Anh Hospital

12/07/2023 13:03

Các bác sĩ đặt stent khơi thông mạch máu bị tắc, cứu trái tim trước nguy cơ ngừng đập chỉ trong 27 phút, bằng 1/3 thời gian khuyến cáo của thế giới.

nhanh-chong-cuu-benh-nhan-nhoi-mau-co-tim-cleanup-1695708149.jpeg
Ông Trí vui mừng cảm ơn các bác sĩ đã cấp cứu nhanh chóng, giúp ông bình phục hoàn toàn.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành – Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, ông Trí (64 tuổi, Việt kiều Canada) đã xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh. Ông đi đứng nhanh nhẹn, nói cười rôm rả như chưa từng trải qua cơn nhồi máu cơ tim thập tử nhất sinh. Ông vui mừng: “Tôi được biết các bác sĩ bệnh viện Tâm Anh từng cấp cứu nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh. Nhưng chẩn đoán và can thiệp trong thời gian cực ngắn như trường hợp của tôi thì quả là kỳ tích sánh ngang các nước có nền y học tiên tiến. Cảm ơn các bác sĩ đã chạy đua với thời gian cứu trái tim cho tôi”.

Theo bác sĩ Minh, đây là trường hợp khá hiếm hoi bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cứu rất sớm, chỉ sau 1-2 giờ khởi phát. Thêm vào đó, tổng thời gian từ lúc nhập viện đến khi can thiệp xong vỏn vẹn 27 phút (thấp hơn rất nhiều so với chuẩn thế giới là 70 phút). Nhờ đó, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và hầu như không để lại di chứng.

Trước khi nhập viện một tuần, ông Trí xuất hiện những cơn đau âm ỉ vùng ngực trái. Ông đến phòng khám tư thăm khám nhưng vì triệu chứng không điển hình, đo điện tim không thấy bất thường nên bác sĩ hướng dẫn ông về nhà tiếp tục theo dõi.

Sau đó, tình trạng nặng ngực tăng dần, lan xuống vai và cánh tay. Cấp cứu tại bệnh viện Tâm Anh, kết quả đo điện tim ghi nhận dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên phòng thông tim can thiệp để chụp mạch vành. Kết quả ghi nhận đoạn dưới thân chung mạch vành trái hẹp nặng đến 99%, cần nong mạch đặt stent gấp nhằm tái thông dòng máu.

Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 14 phút, các bác sĩ đặt được stent kích thước 3.5x18mm (đường kính lớn và chiều dài rất ngắn để giảm thiểu nguy cơ tái hẹp) vào đoạn thân chung bị tắc, tái lưu thông máu hiệu quả. Nhờ rút ngắn thời gian can thiệp nên tránh được những rủi ro như rối loạn nhịp, suy tim… trong quá trình đặt stent.

bac-si-trao-doi-trong-phong-ky-thuat-cleanup-1695708189.jpeg
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long (áo trắng) và ThS.BS.CKII Võ Anh Minh trao đổi trong phòng kỹ thuật sau khi nong mạch đặt stent cấp cứu thành công cho bệnh nhân.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, bệnh nhân có một cục máu đông ngay chỗ chia đôi động mạch mũ và động mạch liên thất trước, gây hẹp nặng đoạn mạch máu này. Trong lúc can thiệp, nếu đưa nhầm dây dẫn đường vào lòng mạch máu giả, đoạn mạch từ hẹp nặng sẽ tắc hoàn toàn, bệnh nhân sẽ nguy kịch. Để giảm nguy cơ này, ekip chọn cách tiếp cận từ nhánh bên, và nhờ hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS) dẫn đường đi vào nhánh chính bị hẹp, đặt stent chuẩn xác.

Ngay sau thủ thuật, ông Trí hết hẳn đau ngực, có thể đi lại bình thường nhờ bác sĩ luồn ống thông qua động mạch quay ở tay chứ không phải động mạch đùi ở bẹn như thông thường. Ông hồi phục tốt, nhịp tim, huyết áp ổn định và được xuất viện sau 5 ngày.

Ông Trí có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, đôi lúc stress trong công việc – đây chính là hai yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Khi mảng xơ vữa bị vỡ hoặc nứt ra sẽ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến nuôi cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Minh cho biết, không phải ai cũng có các triệu chứng nhồi máu cơ tim giống nhau. Một số người đau nhẹ vùng ngực, một số người đau nặng, số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu đặc trưng: đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.

“Yếu tố quyết định hiệu quả điều trị cho một ca nhồi máu cơ tim là thời gian (trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát, tốt nhất là 1-3 giờ đầu tiên). Đến viện quá trễ, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ ngưng tim, vỡ tim dẫn đến tử vong. Nếu may mắn sống sót thì cũng gặp di chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, đau ngực tái phát…”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Theo Tâm Anh Hospital
Bạn đang đọc bài viết "27 phút thần tốc cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim" tại chuyên mục Sức khỏe.