Chủ thương hiệu Zara thay đổi chiến lược bán lẻ

truong.bui

22/06/2019 09:43

Danh sách các nhà bán lẻ đóng bớt cửa hàng ngày càng nhiều nhưng Inditex, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, vẫn đặt cược tăng trưởng vào hệ thống cửa hàng thực.

Kể từ năm 2012 đến nay, Inditex, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara, đã thu hẹp số lượng cửa hàng bán lẻ ở thị trường quê nhà và cũng là thị trường lớn nhất toàn cầu của hãng - Tây Ban Nha xuống 15%, còn 297 cửa hàng. Việc đóng cửa khiến giới đầu tư và phân tích lo lắng tăng trưởng doanh số sẽ chậm lại bởi hoạt động kinh doanh của Inditex dựa vào việc mở rộng mạng lưới cửa hàng nhanh chóng.

Nhưng dù đóng bớt cửa hàng, công ty vẫn đang gia tăng diện tích bán lẻ nói chung bằng cách mở mới và mở rộng các cửa hàng chủ lực (flagship) ở những vị trí đắc địa.

Số lượng cửa hàng giảm nhưng diện tích mặt bằng bán lẻ của Inditex tại Tây Ban Nha đã gia tăng trong năm ngoái, một nguồn tin cho biết nhưng từ chối nêu tên.

Không có nhân viên cửa hàng bị cắt giảm do đóng cửa, mà thay vào đó nhân viên được chỉ định làm việc ở các cửa hàng khác.

Một cửa hàng Zara tại TP.HCM. Ảnh: Bảo Zoãn
Một cửa hàng Zara tại TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)

Chiến lược mở rộng hệ thống bán lẻ của Inditex có thể phải chịu rủi ro ở thời điểm này, bởi người tiêu dùng ngày càng thích mua sắm trực tuyến với mức giá hời hơn. Khả năng sinh lời của ngành thời trang đã giảm và ông lớn thương mại điện tử Amazon đã trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất ở Mỹ và Anh.

Các nhà bán lẻ đang nắm bắt xu hướng thu hẹp danh mục đầu tư mặt bằng, bằng cách đóng cửa các cửa hàng hoặc giảm quy mô cửa hàng.

Hồi đầu năm nay, hãng thời trang Mỹ GAP cho biết sẽ đóng 230 cửa hàng của thương hiệu này, theo sau các nhà bán lẻ thời trang cũng cắt giảm cửa hàng khác như Victoria's Secret, New Look. Trong khi đó Abercrombie & Fitch, Target và Sephora đang thử nghiệm các cửa hàng giảm giá ở các khu vực lân cận.

Kế hoạch của Inditex thành hay bại sẽ xác định việc kết hợp doanh số bán hàng trực tuyến cùng một mạng lưới cửa hàng lớn có thể thành công trong một thị trường thời trang đại chúng, nơi áo khoác blazers được bán với giá dưới 30 euro (790.000 đồng) và váy dài có giá 50 euro (1,3 triệu đồng).

"Người tiêu dùng đang thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì đến các cửa hàng phụ, họ thường mua sắm qua mạng hơn nhưng vẫn coi trọng các cửa hàng flagship có vị trí đẹp", Alistair Wittet, người quản lý danh mục đầu tư châu Âu tại Comgest - một trong số 20 nhà đầu tư của Inditex. "Đó là những gì đằng sau chiến lược của Inditex: đóng cửa các cửa hàng phụ và nâng cấp, mở rộng các cửa hàng flagship".

Ở Bilbao - thành phố lớn phía bắc Tây Ban Nha, năm ngoái, Zara đã mở một cửa hàng ba tầng trong một tòa nhà cổ kính ở khu trung tâm thành phố, được trang trí bằng các chùm đèn trên trần nhà, những cột đá cẩm thạch và cửa sổ kính đầy màu sắc, trong khi đóng cửa ba cửa hàng nhỏ hơn.

Inditex từ chối đưa ra bình luận về việc có mở rộng không gian bán lẻ tại Tây Ban Nha hay không.

Số lượng cửa hàng của Inditex tại Tây Ban Nha giảm dần trong những năm gần đây.
Số lượng cửa hàng của Inditex tại Tây Ban Nha giảm dần trong những năm gần đây.

 

Doanh thu hàng năm của Inditex (đơn vị: tỉ euro)
Doanh thu hàng năm của Inditex (đơn vị: tỉ euro)

Hãng hiện có gần 7.500 cửa hàng trên toàn cầu, hơn một phần tư trong số này là các cửa hàng của Zara, còn lại là các thương hiệu khác như Bershka, Stradivarius, Pull & Bear... Số lượng cửa hàng của hãng nhiều hơn gấp đôi so với cả Gap và chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo - Fast Retailing, và nhiều hơn 2.500 cửa hàng so với đối thủ H&M của Thụy Điển.

Tây Ban Nha hiện là thị trường mà Inditex có hệ thống cửa hàng lớn nhất, hơn 1.600 cửa hàng, chiếm 1/6 doanh số, nhưng việc giảm bớt số lượng cửa hàng không chỉ diễn ra ở thị trường quê nhà.

Năm ngoái, lần đầu tiên Inditex đóng cửa nhiều cửa hàng hơn mở mới ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Inditex ngoài Tây Ban Nha.

Mặc dù trên toàn cầu, số lượng cửa hàng của hãng vẫn tăng lên, nhưng tốc độ mở mới đang chậm lại và hãng gây bất ngờ cho nhà đầu tư hồi tháng Ba khi tuyên bố đã đóng cửa nhiều cửa hàng hơn dự kiến trong năm qua.Hãng dự định mở 300-400 cửa hàng và đóng 200 cửa hàng, nhưng cuối cùng đã mở 370 cửa hàng và đóng 355 cửa hàng.

"Với chúng tôi, chất lượng không gian cửa hàng cũng quan trọng như tốc độ tăng trưởng", giám đốc thị trường vốn Inditex Marcos Lopez nói ở thời điểm đó. Lúc đó, Zara cũng đã mở một cửa hàng hai tầng lớn trong một dự án cao cấp ở quận trung tâm Manhattan, New York.

Không gian mặt bằng bán lẻ của Inditex đã tăng trưởng 4,7% ở các thị trường toàn cầu trong năm ngoái. Năm nay, công ty kỳ vọng tăng trưởng khoảng 4%.

Việc đóng cửa nhanh chóng các cửa hàng làm tăng lo ngại về triển vọng của Inditex khi hãng đối mặt cạnh tranh gia tăng và biên lợi nhuận giảm.

Biên lợi nhuận hoạt động của Inditex đã giảm trong sáu năm qua, từ 19,5% vào năm 2013 xuống 16,7% vào năm ngoái, d liệu của Refinitiv cho biết. Con số này thấp hơn nhiều so với các đối thủ của hãng.

Tăng trưởng doanh số thường niên trong năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ khi công ty niêm yết vào năm 2001. Tuy nhiên, doanh số của hãng đã tăng gấp đôi trong vòng một thế kỷ qua và tăng trưởng đạt 7% trong năm ngoái, cao hơn so với mức 3% của đối thủ H&M.

"Hãng chắc chắn đã lớn hơn so với năm năm trước, nên tăng trưởng không gian bán lẻ sẽ ở mức thấp hơn", Ramiz Chelat, quản lý quỹ đầu tư Vontobel Asset Management, nói. Quỹ đầu tư này đang nắm cổ phần Inditex. "Nhưng 7% tăng trưởng doanh thu trong một môi trường bán lẻ khó khăn là điều thực sự hấp dẫn", ông nói.

Theo Reuters

truong.bui