Mắt mờ đi khám phát hiện thiếu máu nuôi tim, nguy cơ đột tử

Theo Tâm Anh Hospital

17/06/2023 16:40

Cụ ông được chẩn đoán thiếu máu cơ tim khi đi khám mắt, nguyên nhân do tắc hẹp mạch vành nặng cần đặt stent ngay để tránh đột tử.

cu-ong-duoc-chan-doan-thieu-mau-co-tim-cleanup-1695721148.jpeg
 

Trở về phòng nội trú sau khi được đưa đi siêu âm tim, đo điện tâm đồ, ông Vũ (73 tuổi, ngụ Lâm Đồng) hào hứng khoe tình trạng thiếu máu cơ tim đã được cải thiện, chức năng gan thận ổn định, chức năng tim trên đà hồi phục tốt. Tinh thần ông thoải mái, nhẹ nhõm vì đã may mắn phát hiện bệnh mạch vành và được can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ đột tử. Chiều cùng ngày, ông đủ điều kiện xuất viện với tổng thời gian khám, can thiệp và hồi sức chỉ vỏn vẹn 3 ngày.

Ông Vũ hút thuốc lá 2 gói/ngày, suốt hơn 20 năm nay. Giữa tháng 5/2023, ông thấy mắt mờ, thị lực suy giảm. Đi khám chuyên khoa mắt, bác sĩ kết luận hai mắt ông có hiện tượng kéo mây, muốn loại bỏ mảng mây thì cần phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, các xét nghiệm tiền phẫu cho thấy ông Vũ bị thiếu máu cơ tim nặng, cần giấy xác nhận từ chuyên khoa tim mạch thì mới có thể tiến hành phẫu thuật. Ông được người thân đưa đến bệnh viện Tâm Anh TP HCM thăm khám.

ThS.BS.CKI Trần Thế Vinh, Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, ông Vũ được chẩn đoán thiếu máu cơ tim từ tuyến dưới nhưng không có triệu chứng điển hình của tình trạng này là đau thắt ngực, khó thở. Kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị suy tim mức độ trung bình (41%), suy chức năng tâm thất trái không triệu chứng. Tiến hành chụp mạch vành xác định tắc hẹp cả 3 nhánh mạch vành: tắc động mạch liên thất trước, hẹp 90% động mạch vành phải và động mạch mũ. Đây chính là nguyên nhân khiến ông Vũ bị thiếu máu cơ tim thầm lặng dẫn tới suy tim, bệnh âm thầm tiến triển trong thời gian dài mà không có dấu hiệu nhận biết. Nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào.

hinh-anh-cho-thay-hai-nhanh-mach-vanh-hep-cleanup-1695721215.jpeg
Hình ảnh cho thấy hai nhánh mạch vành hẹp tới 90% (hình A) và sau khi được tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh.

ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành – Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM nhận định, bệnh nhân bị tắc hẹp nặng các mạch máu lớn nuôi tim. Nhưng do tất cả đều là sang thương khu trú (chỉ tắc hẹp một đoạn ngắn) nên vẫn có khả năng can thiệp chứ chưa cần mổ bắc cầu.

Với những trường hợp hẹp cả 3 nhánh như ông Vũ, lại có tiền sự suy thận mạn giai đoạn 3, thường phải chia thành hai ca thủ thuật nhằm tránh tình trạng lượng cản quang đưa vào cơ thể bệnh nhân quá nhiều, cũng như cho thận thời gian để đào thải hết chất cản quang rồi mới can thiệp tiếp. Nhưng nhờ kỹ thuật chụp mạch vành Cardiac Swing giảm tối đa lượng thuốc cản quang đưa vào cơ thể người bệnh, cùng với kinh nghiệm của các bác sĩ can thiệp, êkip quyết định chỉ làm thủ thuật một lần. Nhờ đó, bệnh nhân chỉ nằm viện 3 ngày so với 7-10 ngày như thông thường, đồng thời bảo tồn được chức năng gan thận.

Ngày 28/5, ThS.BS Võ Anh Minh cùng êkip tiến hành nong mạch đặt stent cho ông Vũ. Khó khăn lớn nhất là khi nong nhánh liên thất trước, vì mạch máu tắc nghẽn nên gần như không thấy đường vào, bác sĩ phải sử dụng dây dẫn có đường kính siêu nhỏ (0.2 mm, dây dẫn bình thường là 0.4 mm). Ngoài ra, đoạn hẹp còn bị chia đôi, rất khó lách dây qua, buộc phải dùng bóng nhỏ để nong “mở đường” vào mạch máu chính. Nhờ vậy, dây dẫn luồn qua dễ dàng và quá trình đặt stent diễn ra thuận lợi. Đặc biệt, êkip áp dụng kỹ thuật Kissing Balloon nên vừa cứu được nhánh chính, vừa không làm ảnh hưởng các nhánh bên.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, vì bệnh nhân tuổi cao sức yếu nên êkip cần rút ngắn thời gian thủ thuật mà vẫn đảm bảo được mục tiêu thông 3 nhánh trong một lần can thiệp. Bằng thao tác nhanh, cẩn trọng và chính xác, chưa đầy 2 giờ sau, ca thủ thuật kết thúc thành công với 3 stent đường kính lớn (4.0 mm, 4.0 mm và 4.5 mm) được đặt vào 3 nhánh mạch vành, tái thông dòng máu nuôi tim.

ThS.BS.CKI Trần Thế Vinh thông tin, thiếu máu cơ tim thầm lặng là một bệnh lý nghiêm trọng, xảy ra do tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành. Bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình của thiếu máu cơ tim như cơn đau thắt ngực, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn. Chính vì thế, người bệnh không biết mình mắc bệnh dẫn tới tăng nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành.

Để phòng ngừa thiếu máu cơ tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung, mỗi người cần tuân thủ lối sống lành mạnh: bỏ thuốc lá, kiểm soát và điều trị các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ như đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao, có chế độ ăn uống tốt cho tim. Người bệnh tim mạch hoặc người có yếu tố nguy cơ nếu đột nhiên thấy không khỏe, đau cứng hàm hoặc khó tiêu, cảm thấy khó khăn hơn khi thực hiện các công việc thường ngày… cần đến bệnh viện thăm khám sớm.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Theo Tâm Anh Hospital