Tính đến sáng 15/8 Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ

Trung Kiên

15/08/2021 07:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 265.464 ca COVID-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân cứ 1 triệu người Việt Nam có 2.700 ca nhiễm, 55 ca tử vong do Covid-19.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).

Tổng số ca được điều trị khỏi là 96.985 ca.  

Số bệnh nhân nặng và nguy kịch là 597 ca.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.

Tính đến nay Việt Nam đã có 5.437 ca tử vong do Covid-19, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19.

benh-nhan-covid-19-1628985448.jpg
Tổng số ca được điều trị khỏi là 96.985 ca

 

Điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.

Tính đến nay TPHCM đã có 4.265 ca tử vong do Covid-19, chiếm gần 90% số ca tử vong của cả nước.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), để khống chế và kiểm soát dịch bệnh, trong 30 ngày sắp tới, TPHCM sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.

Thứ nhất là chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn tiến nặng, tử vong thông qua rà soát và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; tư vấv, theo dõi sức khỏe hàng ngày; có túi thuốc điều trị và phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng.

Thứ hai là chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc (theo chỉ định của Bộ Y tế).

Trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn về công tác cung ứng thực phẩm cho người dân. Theo đó, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho người dân ở khu vực đó.

HCDC cho biết hàng tuần, chính quyền địa phương sẽ phát phiếu đi chợ cho hộ gia đình ghi rõ địa điểm, thời gian được đi mua thực phẩm. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cư dân “vùng xanh” và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định hoặc khi có yếu tố dịch tễ.

TPHCM phát hiện thêm 2 ổ dịch mới

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13-8, TP.HCM ghi nhận 2 ổ dịch dân cư mới tại Quận 1 và Quận 5 với 237 ca mắc COVID-19. Cụ thể là:

Ổ dịch tại đường Yersin, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1: Ca bệnh đầu tiên phát hiện vào ngày 8-7 qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Đến nay đã phát hiện thêm 101 ca.  Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 12-8 gồm 2 ca. Tổng cộng ổ dịch này đến nay có 175 ca xác định mắc COVID-19. 

Ổ dịch 48 Nguyễn Biểu, Phường 1, Quận 5:  4 ca bệnh đầu tiên phát hiện ngày 24-7 qua diện tầm soát cộng đồng. Đến ngày 2-8 phát hiện thêm 28 ca dương tính. Ngày 7-8, phát hiện thêm 29 ca thuộc khu phong tỏa. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 10-8 gồm 1 ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện.  Tổng cộng ổ dịch này đến nay có 62 ca xác định mắc COVID-19. 

Ngoài 2 ổ dịch mới vừa phát hiện, TPHCM còn 18 ổ dịch đang diễn tiến, gồm 2 ổ dịch chợ, 15 ổ dịch khu dân cư, 1 ổ dịch thuộc cơ sở y tế. Trong đó, ổ dịch liên phường 13, 15, Quận 10 là ổ dịch phức tạp nhất trong 18 ổ dịch đang diễn tiến, với tổng số ca mắc COVID-19 là 912 ca. 

HCDC khuyến cáo:. 1. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. 2. Luôn thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K. 3. Học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe khi thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà.

Thí điểm cho F0 dùng thuốc kháng virus Molnupiravir tại nhà

Từ ngày 16/8, Bộ Y tế bắt đầu triển khai thí điểm chương trình điều trị có kiểm soát cho các F0 tại TP.HCM với 3 hoạt động chính: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng.  Cung cấp hộp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe cho bệnh nhân. Trong túi thuốc sẽ có thuốc kháng virus Molnupiravir. Cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Được biết loại thuốc kháng virus có tên Molnupinavir của Mỹ đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong tương lai gần.

Thuốc Molnupinavir được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Rigibel (Đức) và Merk (Mỹ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Trung Kiên