Sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Hạ Anh

29/12/2023 14:36

Tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Do vậy, tài liệu lưu trữ phải được lựa chọn, sắp xếp bảo quản, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)” với mong muốn khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ, phù hợp với những yêu cầu của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiện nay.

du-thao-luat-luu-tru-pld-1703834701.jpg
Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)”.

Theo ông Ngô Việt Dũng – Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Lưu trữ là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của hoạt động bộ máy nhà nước, của các cơ quan ở nước ta từ Trung ương tới địa phương. Nhờ có cơ quan lưu trữ và tài liệu lưu trữ phong phú và đa dạng, chúng ta biết được lịch sử phát triển của đất nước, của địa phương, của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân (từ quá khứ đến hiện tại và tương lai,...). Từ đó có cái nhìn biện chứng, khách quan, toàn diện về lịch sử, về sự phát triển, cả những góc khuất, những hạn chế,... trong mỗi giai đoạn và thời kỳ phát triển của nó.”

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất và kinh phí dành cho công tác lưu trữ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do bàn hành đã lâu nên Luật hiện hành chưa cập nhật những vấn đề mới trong thực tiễn công tác lưu trữ, nhất là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. 

“Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ năm 2011 là cần thiết, đòi hỏi thực tiễn khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.” – ông Nguyễn Quyết Chiến khẳng định.

ong-nguyen-quyet-chien-pld-1703835045.jpg
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Trao đổi thông tin tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Chinh – Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ sửa đổi (Bộ Nội vụ) cho biết, có 5 điểm mới trong dự thảo Luật Lưu trữ trong đó đáng chú ý, dự thảo Luật đã phân định rõ thẩm quyền quản lý tài sản lưu trữ và dữ liệu lưu trữ, phông lưu trữ, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cá nhân; Lưu trữ Tư nhân; quyền tiếp cận thông tin lưu trữ của người dân; quy định về kho lưu trữ số; khái niệm…

Theo Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, những căn cứ để xây dựng dự án Luật sửa đổi lần này khá đầy đủ và rõ ràng, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lưu trữ, đổi mới trong hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay cũng như ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

“Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần bổ sung đối tượng áp dụng vào trong Luật, cũng cần lưu trữ truyền thống thay vì chỉ lưu trữ số bởi chính sách của Nhà nước là phải “Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, ngang tầm thế giới đáp ứng yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” chứ không nên chỉ chú trọng xây dựng nền lưu trữ số Việt Nam hiện đại mà ít quan tâm đến lưu trữ truyền thống (bằng tài liệu giấy, các vật mang tin khác) có từ hàng vài trăm năm nay.” – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ ý kiến, ông Đinh Thế Vinh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam cho rằng, cần tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Đặc biệt về Điều 53 của dự thảo Luật cần bỏ khoản 2: Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Theo ông Vinh, quy định này dễ phát sinh thêm “giấy phép con” bởi lẽ điều kiện kinh doanh là như thế nào khi cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có chứng chỉ hành nghề, thực hiện theo Luật Lưu trữ, Luật Đấu thầu, pháp luật về kinh doanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã đóng góp thêm về các vấn đề: Lưu trữ số; Mua bán trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; Bản số hóa tài liệu lưu trữ; Phạm vi điều chỉnh... Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến để để trình Quốc hội xem xét.

Hạ Anh