Thiếu đối sách toàn cầu trước khủng hoảng COVID-19

caodung

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng chính phủ các nước phải làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề toàn cầu. Chủ nghĩa dân tộc dân túy đang đặt tất cả vào tình thế nguy hiểm.

Nguồn: https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/mar/13/coronavirus-crisis-leaders-failing-gordon-brown?CMP=Share_iOSApp_Other

Những gì tôi học được từ sự sụp đổ tài chính năm 2008 là chính phủ các nước phải làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề toàn cầu. Nhưng ngày nay, chủ nghĩa dân tộc dân túy đang đặt tất cả vào tình thế nguy hiểm.

Tình hình đáng lẽ đã tốt hơn, nhưng sau nhiều tuần lễ đối mặt với thảm họa trong lịch sử y tế thế giới và kinh tế toàn cầu, tuần qua lần lượt từng quốc gia đã rút lui vào “hầm trú ẩn”, với các lệnh hạn chế hoạt động và đi lại đối với công dân. Mỗi nước chiến đấu với virus Corona theo cách của riêng mình.

Dĩ nhiên, mỗi quốc gia có hệ thống y tế riêng biệt và cách thức đối phó cũng phụ thuộc vào trình độ các chuyên gia y tế và giai đoạn dịch bệnh. Nhưng tại sao vẫn chưa có một kế hoạch y tế phối hợp nào, tương đương với Dự án Manhattan (1939-1946: với mục đích nhanh chóng dập tắt Thế chiến thứ II), để tận dụng tất cả nguồn lực toàn cầu nhằm nhanh chóng tìm ra vaccine chống virus Corona và thuốc chữa trị?

Tại sao, khi dịch bệnh đã nhấn chìm hơn 100 quốc gia, vẫn không có kế sách toàn cầu thống nhất nào, để không chỉ theo dõi, kiểm tra và kiểm soát đi lại mà còn để học hỏi lẫn nhau về các thành tích tương đối trong cách ly và hạn chế tiếp xúc xã hội. Và tại sao, khi một đợt khủng hoảng thế giới mới sắp xảy đến, vẫn chưa có một nỗ lực kết hợp các chính phủ và ngân hàng trung ương để đưa ra ứng phó kinh tế toàn cầu?

Thay vào đó, cả thế giới đều chia rẽ và thiếu đường lối dẫn dắt, tất cả đều chịu chung xu hướng chiến đấu đơn lẻ: việc che giấu thông tin dịch ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc chậm trễ báo cáo cho cộng đồng thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yếu ớt thừa nhận rằng khủng hoảng ở mức “trung bình”, và thậm chí ngày 30.1 đã phải xin lỗi và tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vậy mà thế giới vẫn tiếp tục nhận được những lời khuyên rối rắm về việc hạn chế đi lại.

Bao lâu nay người ta vẫn nói dòng dõi Bourbons không bao giờ biết rút kinh nghiệm. Hàng thế kỷ sau đó, các nhà lãnh đạo quốc gia dường như vẫn chưa thể áp dụng hoặc thậm chí là chưa thể tiếp thu bài học cay đắng qua các trận khủng hoảng trước đó, từ dịch SARS đến Ebola cho đến khủng hoảng tài chính, rằng các vấn đề toàn cầu cần giải pháp toàn cầu, chứ không phải chỉ có đối sách địa phương và quốc gia.

Trong những ngày đầu tôi làm thủ tướng Anh năm 2007, chính phủ của đảng Lao động đã phải vật lộn liên tiếp với sự kiện khủng bố thế giới, bão lụt, bùng phát bệnh tay chân miệng, cúm gia cầm và ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Có các thập kỷ chẳng xảy ra sự kiện gì”, Lenin đã viết, “Và có những tuần lễ xảy ra cả thập kỷ.” Các thách thức liên tiếp này đã dạy cho tôi rằng, các chính phủ sẽ chỉ nhanh chóng mất quyền kiểm soát nếu họ ngay lập tức dùng tới các biện pháp cuối cùng để nhổ bỏ rủi ro tận gốc, rồi dồn toàn lực lượng và quyết tâm để đối phó.

Tháng Mười 2008, chỉ vài ngày sau khi Lehman Brothers sụp đổ, các ngân hàng bị phá sản, những tổ chức “vô sản” từng điều hành chủ nghĩa tư bản, bị quốc hữu hóa và tái cấp vốn. Bài học cho ngày hôm nay đã rõ như ban ngày: bạn có thể cắt giảm lãi suất và thuế lương và tập trung năng lượng để giải quyết hậu quả sau đó. Nhưng bạn sẽ không thành công trừ khi bạn cũng xây dựng được niềm tin rằng các biện pháp y tế phát huy tác dụng trong tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng cho tôi bài học rằng, trong khi bạn cần phân tích và lời khuyên từ các tổ chức chuyên gia như Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và trong tình hình dịch bệnh này là WHO, bạn vẫn cần sự dũng cảm của các nhà chính trị ở tất cả các châu lục, họ không chỉ lãnh đạo quốc gia mà còn làm việc cùng nhau. Cách tốt nhất để làm như vậy là trong một diễn đàn toàn cầu, chẳng hạn như diễn đàn các nước G20 năm 2008 – nơi các quyết định cùng được thông qua. Những quyết định này sau đó sẽ có thẩm quyền và giá trị thi hành.

Nhưng các đối thoại này hiện ra sao giữa các chính khách lớn trên thế giới? Chủ tịch Tập, Tổng thống Trump, Tổng thống Moon của Hàn Quốc và Thủ tướng Conto của Ý? Họ có trao đổi để các nước được lợi từ kinh nghiệm lẫn nhau trong hạn chế đi lại, phong tỏa và hạn chế tiếp xúc xã hội? Thử nhìn xem: dù nước Anh đi trước Mỹ rất xa trong việc thực hiện xét nghiệm người có khả năng nhiễm virus, nhưng đến ngày 10.3, số ca được xét nghiệm ở Anh vẫn ít hơn một nửa so với Ý, và chỉ nhiều hơn Hàn Quốc một phần mười. Đáng lẽ chúng ta nên rút kinh nghiệm từ Trung Quốc là phải xét nghiệm cả những ca lây nhiễm xa, chứ không để xảy ra chậm trễ xét nghiệm các bệnh nhân không phải nhập cảnh từ Trung Quốc, Ý hoặc Hàn Quốc. Để rồi việc trì hoãn xét nghiệm phải trả giá bằng việc hoảng loạn gia tăng trong dân chúng: bất chấp sự tuyệt vời của ngành y nước Anh, chính phủ có vẻ vẫn chậm chân so với sự lây lan của virus Corona.

Dĩ nhiên, chỉ riêng ý tưởng hợp tác toàn cầu, và sự tập hợp của nhóm G20 ảo đã không phù hợp với sự dâng cao của chủ nghĩa dân tộc dân túy, một tinh thần đã và đang xé lẻ thế giới chung, với các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga thi nhau đòi quyền ưu tiên số một. Kể từ thời điểm hợp tác cao nhất năm 2009, chủ nghĩa dân tộc đã lên ngôi - xây tường, đóng cửa biên giới, hạn chế người nhập cư và áp đặt thuế. Và điều ban đầu là chủ nghĩa dân tộc bảo hộ, bây giờ đã biến thành chủ nghĩa đơn phương thù địch.

Sự sẵn sàng hợp tác của chúng ta đang ngày càng tỉ lệ nghịch với nhu cầu cần hợp tác, và sự bất đồng này có nghĩa là chúng ta đang đấu tranh với đại dịch bằng các tổ chức có nguồn lực hạn chế, chẳng hạn WHO, cơ quan chỉ được gán thêm nhiệm vụ mà không trang bị phương tiện tài chính nào cho họ hành động. Mặc dù có một vài sáng kiến hậu Ebola đáng khen ngọi, bao gồm Quỹ phát triển vaccine mới (Cepi), chúng ta vẫn thiếu 9 tỉ USD để tài trợ cho các kế hoạch nghiên cứu phát triển và dự phòng. Đáng buồn thay, các nhà lãnh đạo hoặc hoảng loạn, như tại thời điểm này, hoặc đợi đến khi thảm họa xảy ra, vô tâm và bỏ bê buông xuôi theo tình hình.

Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc thù địch đã tạo ra nền văn hóa đổ lỗi, các chính phủ đang chịu áp lực đổ lỗi cho bất kỳ ai ngoài họ khi xảy ra cơ sự. Chưa hết, hệ tư tưởng “sống phải vì mình trước nhất” sẽ không có tác dụng khi sức khỏe mỗi người phụ thuộc vào sức khỏe của tất cả mọi người.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, các chính phủ đã đồng hành cùng nhau, cùng điều phối việc cắt giảm lãi suất, kích thích tài khóa, hoán đổi tiền tệ và các thỏa thuận chống bảo hộ kinh tế. Một thập kỷ sau, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy có khả năng sẽ chặn đứng sự hợp tác của ngân hàng trung ương và việc tháo bỏ các rào cản thương mại. Ngày nay, lãi suất hiện tại thấp đến mức có rất ít không gian cho hoạt động tiền tệ. Các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong mười năm qua chỉ có một trò chơi duy nhất, ngày càng lộ bản chất là hơi ảo tưởng về quyền lực của mình.

Tôi vẫn tin là còn có thể thực hiện một đối sách phối hợp của chính phủ toàn cầu. Mỗi quốc gia nên cam kết loại bỏ rào cản trong chuỗi cung ứng; sẵn sàng giảm thuế (và chắc chắn không tăng, khi phải gấp rút hoàn thành thời hạn Brexit); mở rộng tín dụng, như Anh đã chính danh tuyên bố với các doanh nghiệp, bao gồm cả lệnh cấm thanh toán thuế, và đảm bảo hỗ trợ trước tài chính cho các công nhân bị cho nghỉ/ tạm nghỉ việc. Và quốc gia nào không thực hiện được việc đó, nên yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, như năm 2009.

Nhưng cú sốc kinh tế mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay - một chuỗi cung ứng quốc tế bị phá vỡ và, chẳng mấy chốc, hàng triệu người chỉ có thể làm việc tại nhà - đòi hỏi phải có tư duy đổi mới phù hợp hơn với thời đại kỹ thuật số hiện nay. Một chính sách công nghiệp, được hỗ trợ bởi hỏa lực tài khóa, có thể đẩy nhanh cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra tại nơi làm việc: từ việc họp hành qua teleconference cho đến quy định giáo dục, y tế và các dịch vụ trực tuyến khác. Từ đó, hàng triệu người có thể tiếp tục làm việc, học hành, tổ chức cuộc sống và tạo được thu nhập ngay tại nhà.

Tuy nhiên, không có sáng kiến ​​cá nhân nào sẽ thay thế cho một tuyên bố tập thể rằng, đồng hành cùng nhau, các chính phủ trên thế giới sẽ làm bất cứ điều gì nếu cần. COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng, cũng không phải là tồi tệ nhất. Nhưng nếu Dự án Manhattan trong những năm 1940 có thể khiến mọi người xích lại gần nhau để tạo ra thứ vũ khí nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, chắc chắn trong thế kỷ XXI, chúng ta có thể phối hợp cùng nhau, để cứu cả sinh mạng lẫn kế sinh nhai của hàng triệu người. Chúng ta có thể không lặp lại được lời hứa của Cố Tổng thống Roosevelt rằng không có gì phải sợ, trừ chính nỗi sợ, nhưng niềm tin vào tương lai chỉ có thể được phục hồi bằng những hành động quốc tế táo bạo để tạo dựng niềm tin hôm nay.

Theo The Guardian

caodung