Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm

Xuân Mai

18/10/2023 09:26

Thời gian qua tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta diễn ra rất phức tạp. Việc làm này, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường cung cấp giống gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan ở trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm ở nước ta.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững” diễn ra chiều 17/10 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các tỉnh biên giới, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi.

ngan-chan-nhap-lau-gia-suc-gia-cam-pld-1697563520.jpg
Hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ. Điều quan trọng hiện nay là thực hiện đúng Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Không chỉ ở khu vực biên giới, cả trong nội địa, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp để cùng ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Theo số liệu thống kê của Cục Thú y nhận thấy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN&PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt, thế nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. 

Cụ thể, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu 9 tháng đầu năm 2023 có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Tại tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện 31 vụ; 101.800 con gia cầm giống; 4.000 gia cầm thịt; 8. 532 kg/sản phẩm động vật. Tại tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 41 vụ; 14.795 gia cầm giống; 27.900 quả trứng giống; 16.695 kg/sản phẩm động vật. Tại tỉnh Cao Bằng đã phát hiện 59 vụ; 39.000 gia cầm giống; 347 gia súc; 16.012 quả trứng giống; 31.351 kg/sản phẩm động vật…

Đứng trước tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.; Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

pho-cuc-truong-cuc-thu-y-phan-quang-minh-pld-1697563520.jpg
Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh.

Đối với Tổng cục Hải quan, Cục Thú y đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của hải quan. Cục Thú y cũng có kiến nghị gửi Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép. 

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động rất lớn, nhưng giá thực phẩm trên thị trường lại không có nhiều biến động. Do đó có thể thấy sự phân chia lợi nhuận là chưa được đảm bảo.

pho-cuc-truong-cuc-chan-nuoi-pham-kim-dang-1697563520.jpg
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng.

Ông Đăng nhận định, trong thời gian vừa qua, thể chế ngành chăn nuôi đã được hoàn thiện; đầu tư tăng; cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh; thị trường bắt đầu phục hồi sau Covid-19; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng; đã có sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có sự chuyên môn hóa cao. Có thể khẳng định dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi của chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong ngành chăn nuôi đã có mặt tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng hệ lụy từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.

Hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

thu-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-phung-duc-tien-pld-1697563519.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.

Xuân Mai