Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

Hải Phong

13/10/2023 07:56

Sáng 12/10 tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam". Chương trình có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, lãnh đạo các bộ ban ngành, tập đoàn, doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đi đầu trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế...

Năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học biogas bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như: Điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.

Đây cũng là vấn đề có tính thời sự, đang được Phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập ở nội dung giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

trien-vong-nganh-nang-luong-viet-nam-pld-1697134458.JPG

Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như: Điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.

"Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế" – ông Sỹ nhận định.

ong-do-tien-sy-pld-1697134486.JPG

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Thắng – Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường cho rằng, mặc dù nước ta có nguồn năng lượng tương đối đa dạng song mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người còn tương đối thấp. Nhu cầu năng lượng tăng cao gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu hụt và dễ tổn thương từ các tác động bất lợi từ bên ngoài.

“Đáng chú ý, việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Nếu chúng ta trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động đến an ninh năng lượng quốc gia” – ông Thắng nhấn mạnh. 

ong-vuong-quoc-thang-pld-1697134432.JPG

Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng.

Có thể thấy, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không hề dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. 

Đặc biệt, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc sử dụng năng lượng sạch. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nêu nhận định trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. 

ong-hoang-viet-dung-pld-1697134433.JPG

Ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương.

Theo ông Dũng, chúng ta cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Hải Phong