Các doanh nghiệp bất động sản mua 800 tỉ đồng trái phiếu của CII

thunguyen

27/08/2019 12:50

CII - công ty chuyên đầu tư các dự án hạ tầng tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam cho biết các ngân hàng thương mại trong nước không tham gia vào đợt phát hành này.

Các thông tin được Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát các quy định liên quan đến việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu nhằm cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành, đồng thời phải có biện pháp giám sát sau cho vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Cho biết liên doanh các nhà phát triển bất động sản cao cấp trong và ngoài nước đã mua toàn bộ 800 tỉ đồng trái phiếu - nhưng CII không công bố tên cụ thể của các đối tác này. Đây là một trong những thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ đầu năm đến nay trên thị trường.

Dự án Cầu Rạch Miễu - quốc lộ 60 - một trong những dự án BOT mà CII đang vận hành, thu phí (Ảnh: CII)
Dự án Cầu Rạch Miễu - quốc lộ 60 - một trong những dự án BOT mà CII đang vận hành, thu phí (Ảnh: CII)
Trong nửa đầu năm 2019, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng trên 116 nghìn tỉ đồng trái phiếu - cao hơn giá trị vốn hoá của BIDV, một trong ba ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Giá trị trái phiếu đã tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó quá nửa do ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản phát hành - theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính.

Các ngân hàng cũng là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mua vào trên 35% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Đây là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét các khoản đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua. Techcombank đang là ngân hàng nắm giữ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, có giá trị gần 61 nghìn tỉ đồng tính đến cuối quý II.2019, theo báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố. Giá trị trái phiếu này chiếm một phần tư dư nợ tín dụng của Techcombank. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung mới ở mức độ sơ cấp, khi các thương vụ phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, dựa trên thương lượng trực tiếp giữa người mua và người bán. Một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm đủ tin cậy.

Mặc dù khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng mạnh, nhưng quy mô mỗi đợt phát hành của các doanh nghiệp thông thường chỉ vài trăm tỉ đồng. Hồi cuối tháng Ba, Vingroup vừa phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu cho 14 tổ chức, cá nhân. Đây là thương vụ nghìn tỉ hiếm hoi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp của Vingroup không có tài sản đảm bảo.

Trái phiếu của CII được phát hành với lãi suất 9,5%/năm, kỳ hạn một năm, có tài sản đảm bảo. Công ty chưa công bố dự án cụ thể cần huy động 800 tỉ đồng trái phiếu nói trên. CII cho biết sẽ dùng số tiền này để thực hiện đầu tư vào các chương trình, dự án, đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ cũ (dùng tiền thu được để thanh toán các khoản nợ). Tính đến cuối tháng Sáu, CII đã phát hành trên 4.000 tỉ đồng trái phiếu, trong đó gần 1.600 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong vòng một năm. Từ cuối tháng Sáu đến nay, CII hai lần phát hành trái phiếu, tổng cộng 1.000 tỉ đồng - bao gồm cả 800 tỉ đồng mới đây.

Hiện CII đang thông qua công ty con là CII B&R đang vận hành một loạt dự án BOT - trong giai đoạn thu phí như Tuyến tránh thành phố Phan Rang, Cầu Rạch Miễu, D741 - Bình Dương, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội … Ngoài ra CII cũng là chủ đầu tư một số dự án bất động sản tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như Diamond Riverside, Khu đô thị mới Thủ Thiêm…


Đan Nguyên

thunguyen