CEO nhà sản xuất vaccine AstraZeneca nhận mức lương cao nhất nước Anh

Quỳnh Giang (t/h)

25/08/2021 22:00

Báo cáo mới nhất cho biết Giám đốc điều hành (CEO) Pascal Soriot của nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca - Hãng dược phẩm của Anh - đã thu về 15,45 triệu bảng Anh (21,25 triệu USD) trong năm vừa qua.

pascalsoriot-1629346390.jpg
Giám đốc điều hành (CEO) Pascal Soriot của AstraZeneca.

Giám đốc điều hành (CEO) Pascal Soriot của nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca đã trở thành nhà lãnh đạo công ty được trả lương cao nhất ở Vương quốc Anh vào năm 2020, một năm mà mức lương của các lãnh đạo của những công ty thuộc chỉ số FTSE 100 đều bị giảm trung bình gần 20%.

Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn về nhân lực cấp cao và quản trị doanh nghiệp High Pay Center cho biết, ông Soriot đã thu về 15,45 triệu bảng Anh (21,25 triệu USD) trong năm vừa qua.

Con số đó cao gấp gần 6 lần so với mức trung bình mà các CEO trong chỉ số chứng khoán hàng đầu nước Anh FTSE100 nhận được là 2,69 triệu bảng, giảm từ 3,25 triệu bảng của năm 2019.

Dù vậy, mức đó vẫn gấp 86 lần thu nhập trung bình của người lao động phổ thông tại nước này.

Tốp 5 nhà lãnh đạo có thu nhập cao nhất nước Anh trong năm 2020 bao gồm ông Brian Cassin của công ty báo cáo tín dụng tiêu dùng đa quốc gia Experian với 10,3 triệu bảng, ông Albert Manifold của công ty sản xuất vật liệu xây dựng CRH (9,92 triệu bảng Anh), ông Laxman Narasimhan của công ty hàng tiêu dùng Reckitt Bencker (9,24 triệu bảng) và ông Rob Perrins của công ty phát triển bất động sản Berkeley (8,03 triệu bảng).

Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều quốc gia áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động và doanh số bán của nhiều công ty.

Tỷ lệ các công ty chi trả các khoản thưởng giảm từ 89% hồi năm 2019 xuống 64% vào năm ngoái. Số công ty trả các khoản thưởng dài hạn dựa trên kết quả hoạt động trong 3-5 năm trước cho các nhà lãnh đạo cũng giảm từ 82% của năm trước đó xuống 77% vào năm 2020.

vaccine-astrazeneca-1629347156.jpg

AstraZeneca thu về 1,2 tỷ USD (1 tỷ euro) trong nửa đầu năm 2021 nhờ sản phẩm vaccine ngừa COVID-19.

AstraZeneca, hãng dược của Anh cho biết thu về 1,2 tỷ USD (1 tỷ euro) trong nửa đầu năm 2021 nhờ sản phẩm vaccine ngừa COVID-19.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, AstraZeneca đã bàn giao khoảng 319 triệu liều vaccine trên toàn thế giới, thu về 572 triệu USD ở châu Âu và 455 triệu USD từ các thị trường mới nổi.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết tính đến nay, AstraZeneca và các đối tác đã phân phối 1 tỷ liều vaccine đến hơn 170 nước và vùng lãnh thổ.

Hãng dược phẩm này cho biết thêm lợi nhuận ròng đã tăng 40% lên 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, trong khi tổng doanh thu tăng gần 25% lên 15,5 tỷ USD. Nếu không tính mảng vaccine ngừa COVID-19, tổng doanh thu của AstraZeneca tăng 14% lên khoảng 14,4 tỷ USD.

Nhờ kết quả trên, AstraZeneca đã nâng dự báo triển vọng cho cả năm 2021. Doanh thu không bao gồm bán vaccine hiện được dự báo sẽ tăng dưới 20% trong năm nay.

 

Đại dịch đang làm giàu cho một số người

Ít nhất đã có 9 tỷ phú mới nổi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc xin COVID 19, Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người đã được công bố mới đây.

Tổng tài sản ròng của chín tỷ phú mới nổi lên đến 19,3 tỷ đô la, nhiều gấp 1,3 lần số tiền cần thiết để tiêm ngừa cho toàn bộ dân số các quốc gia thu nhập thấp nhất. Chiếm 10% dân số thế giới, nhưng những quốc gia này chỉ mới nhận được 0,2% nguồn cung vắc xin toàn cầu, do sự thiếu hụt vắc xin trầm trọng.

Ngoài ra, khối tài sản của tám tỷ phú hiện tại, với danh mục đầu tư rộng khắp các tập đoàn dược đang sản xuất vắc xin COVID-19, cũng đã tăng thêm 32,2 tỷ đô la, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số Ấn Độ.

Liên minh vắc xin cho Tất cả mọi người – thành viên bao gồm Global Justice Now, Oxfam và UNAIDS, đã phân tích dữ liệu Danh sách tỷ phú của Forbes và chỉ ra một nhóm nhỏ đếm trên đầu ngón tay những người thu lợi khổng lồ từ vắc xin do nguồn ngân sách công đầu tư.

Danh sách 9 tỷ phú vắc xin mới nổi Tài sản ròng Danh sách 9 tỷ phú vắc xin mới nổi Tài sản ròng
Stéphane Bancel, CEO của Moderna 4,3 tỷ USD Ugur Sahin, CEO và đồng sáng lập BioNTech 4 tỷ USD
Timothy Springer, một nhà miễn dịch học và nhà đầu tư sáng lập của Moderna 2,2 tỷ USD Noubar Afeyan, Chủ tịch của Moderna 1,9 tỷ USD
Juan Lopez-Belmonte, Chủ tịch của ROVI, công ty sản xuất và đóng gói vắc-xin Moderna 1,8 tỷ USD Robert Langer, nhà khoa học và nhà đầu tư sáng lập Moderna 1,6 tỷ USD
Zhu Tao, đồng sáng lập và phụ trách chính về khoa học tại CanSino Biologics 1,3 tỷ USD Qiu Dongxu, đồng sáng lập và phó chủ tịch cấp cao tại CanSino Biologics 1,2 tỷ USD
Mao Huinhoa, đồng sáng lập và phó chủ tịch cấp cao tại CanSino Biologics 1 tỷ USD    

Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết, đây là minh chứng cho thất bại của nhân loại trong việc kiểm soát con virus quái ác này, khi chúng ta nhanh chóng tạo ra những tỷ phú vắc xin mới, nhưng lại không thể tiêm chủng cho hàng tỷ người đang vô cùng cần cảm giác được an toàn.

“Những tỷ phú này là chủ nhân của khối lợi nhuận khổng lồ mà các hãng dược lớn đang thu được từ việc nắm giữ độc quyền vắc xin. Vắc xin COVID-19 được đầu tư từ tiền ngân sách công, nên trước hết phải là tài sản công, không phải một cơ hội kiếm lời của một số ít người. Chúng ta cần phải khẩn cấp chấm dứt sở hữu độc quyền để nhân rộng sản xuất vắc xin, giảm giá thành và triển khai tiêm chủng cho toàn thế giới.”

Các tỷ phú vắc xin nổi lên khi cổ phiếu của các công ty dược tăng mạnh, với kỳ vọng về những khoản lợi nhuận lớn thu được từ độc quyền vắc xin COVID-19. Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người cảnh báo rằng sự độc quyền này cho phép các tập đoàn dược kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và giá vắc xin, đẩy lợi nhuận của họ lên cao trong khi tạo thêm khó khăn cho các nước nghèo tìm kiếm đủ số vắc xin cho người dân.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú mới nổi từ vắc xin COVID là các giám đốc điều hành của Moderna và BioNTech, với khối tài sản trên bốn tỷ đô la. Danh sách cũng có tên của hai nhà đầu tư sáng lập ra Moderna và chủ tịch của công ty, cũng như giám đốc điều hành của một công ty sở hữu thoả thuận sản xuất và đóng gói vắc xin Moderna, bất chấp thực tế phần lớn nguồn tài trợ cho vắc xin Moderna là do người nộp thuế chi trả. Ba tỷ phú mới nổi còn lại là đồng sáng lập của công ty vắc xin CanSino Biologics của Trung Quốc.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS cho biết, trong khi các công ty thu được lợi nhuận khổng lồ từ vắc xin COVID và từ chối chia sẻ khoa học và công nghệ của họ để tăng nguồn cung vắc xin toàn cầu, thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ các biến thể mới có thể vô hiệu hoá vắc xin và đẩy nhân loại vào vòng hiểm nguy một lần nữa.

“Chúng ta đã phải trả một cái giá khủng khiếp bằng tính mạng con người cho đại dịch. Việc lợi nhuận tiếp tục được đặt lên trên sinh mạng là điều đáng lên án”, bà Winnie Byanyima nói.

 

Quỳnh Giang (t/h)