Hà Nội: Khai hội Gióng đền Sóc năm 2024

Hạ Anh

15/02/2024 13:03

Lễ hội Gióng năm 2024 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là một trong những lễ hội lớn nhất của TP Hà Nội và cả nước, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng của người dân.

Sáng 15/2 tại Hà Nội, Lễ hội Gióng đền Sóc đã chính thức khai hội, với sự tham gia của hàng vạn du khách thập phương. Lễ hội năm nay được diễn ra từ ngày 15 - 17/2 (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.

le-hoi-giong-2024-1708009514.png
Lễ hội Gióng đền Sóc chính thức khai hội sáng mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Đặc biệt, tại lễ hội năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau tiếp tục được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với trầu cau) để làm lễ. Sau đó, lộc sẽ được phát cho người dân; sẽ không có cảnh cướp giò hoa tre và trầu cau. Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ nhằm bảo đảm trật tự và văn minh cho Lễ hội Gióng.

loc-hoa-tre-pld-1708009475.jpg
Hoa tre trong lễ hội năm nay được đặt lễ ở Đền Thượng, không rước xuống Đền Mẫu và Đền Hạ.

Theo ông Đào Anh Tú – Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch – di tích đền Sóc cho biết, điểm khác biệt trong mùa lễ hội Gióng năm nay tập trung vào phần hội. Các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: đi cà kheo, đập niêu đất, hội thi nấu cơm, hội thi cầu húc. Cùng với đó là các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật sẽ được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 cũng là năm thứ 2 liên tiếp, nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi Cầu Húc được tổ chức trên quy mô toàn huyện Sóc Sơn. Khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên sân chơi mở cho tất cả người dân.

Đến với lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, du khách còn có thêm những trải nghiệm thú vị tại khu vực thực hành văn hoá Gióng và văn hoá Việt Nam nói chung. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với những du khách muốn trải nghiệm làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre…

du-khach-thap-phuong-toi-tham-du-le-hoi-pld-1708009514.png
  Du khách thập phương tới lễ tại đền Sóc.

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội, ông Tống Giang Phúc – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn thông tin: “Để có được kết quả này, Ban tổ chức chuẩn bị không gian đủ rộng để các thôn, xã thực hiện các nghi lễ, nhịp nhàng không lộn xộn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí điểm tán lộc tại cung cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… không có chuyện tranh cướp lộc, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. Chính vì vậy hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh".

Là một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam.

Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

 

Hạ Anh
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Khai hội Gióng đền Sóc năm 2024" tại chuyên mục Cần biết.