Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp được ký kết

thunguyen

26/06/2019 07:05

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký cấp Hội đồng Bộ trưởng vào cuối tháng Sáu tới, theo thông cáo từ Uỷ ban châu Âu.

Theo lộ trình, EVFTA cần được Liên minh Châu Âu EU và Việt Nam ký, đồng thời Nghị viện Châu Âu phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực. Thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ bước sang một giai đoạn mới với lợi ích to lớn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, Chính phủ hai bên.


Hiệp định EVFTA sẽ giỡ bỏ hầu hết các hàng rào thuế quan đối với hàng hoá giao dịch giữa Việt Nam và EU (Ảnh: Shutterstock)
Hiệp định EVFTA sẽ giỡ bỏ hầu hết các hàng rào thuế quan đối với hàng hoá giao dịch giữa Việt Nam và EU (Ảnh: Shutterstock)

Là một hiệp định thương mại tự do - EVFTA sẽ cắt giảm hầu hết các mức thuế quan đánh vào hàng hoá giao thương giữa Việt Nam và 28 quốc gia thuộc EU. Ngoài ra, EVFTA cũng “bao gồm các điều khoản cụ thể giỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Nhờ có hiệp định này, các công ty Châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước” - thông cáo từ Uỷ ban châu Âu cho biết.
Bắt đầu khởi động đàm phán từ cuối năm 2010, đến nay sau gần một thập kỷ, EVFTA mới đi đến những bước cuối cùng.

Trao đổi với Tạp chí Nhà Quản Lý, ông Nguyễn Trung Kiên, giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nước ép trái cây sang châu Âu cho biết, công ty vẫn chờ kết quả cuối cùng của EVFTA. Nếu được thông qua, đó sẽ là cơ hội to lớn không chỉ với công ty mà cho cả ngành xuất khẩu trái cây chế biến nói chung nhờ giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu nước ép trái cây vào EU đang là 7% và có thể được giỡ bỏ nếu EVFTA được thông qua.

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam cho biết ông kỳ vọng vào việc giỡ bỏ những hàng rào kỹ thuật từ châu Âu hơn là giỡ bỏ thuế. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú sang EU là 54 triệu USD, tương đương 7,16% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Với thị trường châu Âu, quy định về tỷ lệ mạ băng cao (20% - tức là 100kg tôm chứa 20kg đá băng đi kèm) và thói quen sử dụng tôm size nhỏ là thách thức với công ty. Minh Phú đang nỗ lực tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ để tránh phụ thuộc vào thị trường lớn nhất này.

Hiện tại, tôm tươi xuất khẩu từ Minh Phú sang EU đang chịu thuế suất 4%. Tuy nhiên, tôm chín (đã hấp) phải chịu thuế suất tới 11%. Chênh lệch thuế khiến các nhà nhập khẩu từ EU thường chọn nhập khẩu tôm tươi. Tuy nhiên, việc bảo quản tôm tươi trong một quãng đường xa là việc không đơn giản, chất lượng tôm vì vậy cũng giảm sút. Nếu EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất cho tôm tươi và tôm chín có khả năng về 0%, các nhà nhập khẩu sẽ có xu hướng chọn tôm chín. Với sự chuyển dịch này, doanh nghiệp tôm như Minh Phú có lợi thế đáng kể nhờ giá tốt hơn, tôm chất lượng hơn, tiêu thụ nhiều hơn. "Đây không chỉ là cơ hội với ngành tôm, mà còn với cả ngành thủy hải sản nói chung" - ông Quang nhận định.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa ở mức 49,3 tỉ Euro và thương mại dịch vụ ở mức trên 3 tỉ Euro. Trong khi đó đầu tư của EU vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn hiện ở mức 6 tỉ Euro năm 2017, con số các công ty châu Âu thiết lập hiện diện tại đây để phục vụ toàn khu vực ASEAN đang ngày một tăng. EU chủ yếu nhập khẩu các thiết bị viễn thông, giày dép, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, hàng hóa chất và các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Đan Nguyên

thunguyen