Làn sóng đổ bộ sản xuất sang Việt Nam

thunguyen

03/08/2019 07:17

Sharp, hãng sản xuất các thiết bị điện tử Nhật Bản cho biết đã từ bỏ kế hoạch sản xuất các loại màn hình cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc, mà sẽ xây nhà máy tại Việt Nam.

Nhà máy với vốn đầu tư 25 triệu USD sẽ sản xuất nhiều sản phẩm như máy lọc không khí, màn hình LCD, các thiết bị điện tử,… từ năm 2020 - thông tin từ Sharp cho biết. Nhà máy sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP II - tỉnh Bình Dương.

Tại Việt Nam, Sharp đang sở hữu công ty Saigon Stech (đặt nhà máy tại khu công nghiệp VSIP II - tỉnh Bình Dương) chuyên sản xuất module máy ảnh, có trên 10 năm hoạt động.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Động thái này được công bố trong tình hình chiến tranh thương mại giưã Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải không có tiến triển đáng kể.

Nikkei dẫn lời ông Katsuaki Nomura - phó chủ tịch HĐQT Sharp, cho biết: “Chúng tôi không biết những tiến triển mới có đến hay không, và nếu có thì bao giờ”.

Cùng ngày 2.8 (giờ Việt Nam), sau khi kết thúc chuyến đàm phán, tổng thống Donald Trump đã công bố đợt thuế quan mới áp lên 300 tỉ USD hàng hoá còn lại xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Như vậy toàn bộ hàng hoá từ Trung Quốc từ 1.9 sẽ bị đánh thuế khi nhập khẩu vào Mỹ, với các mức thuế suất khác nhau.

Hơn 70% công ty Mỹ đang cân nhắc trì hoãn hoặc huỷ bỏ kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời chuyển nhà máy ra khỏi quốc gia 1,4 tỉ dân này - theo báo cáo đặc biệt từ AmCham South China.

Việt Nam đang được lựa chọn là một trong các điểm đến của các nhà máy sản xuất khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, khiến hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc ngày càng khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là lựa chọn hàng đầu, theo nhận định của thời báo SCMP. Chi phí đất tăng cao, cùng những ùn ứ tại hệ thống cảng biển, vận tải đường bộ khiến năng lực sản xuất đang dần trở nên bão hoà, tạo điều kiện cho các quốc gia khác như Malaysia và Indonesia nổi nên như các ứng viên thay thế.

Theo số liệu từ tổng cục thống kê, trong 7 tháng, với các dự án cấp phép, ngành công nghiệp chế tạo đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký mới đạt hơn 6 tỉ USD, chiếm 73% tổng số vốn đăng ký mới. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chiếm hơn một phần năm tổng số vốn cấp mới.

Đan Nguyên

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Làn sóng đổ bộ sản xuất sang Việt Nam" tại chuyên mục Khoa học quản lý.