Libra: Dự án tiền mã hoá không đơn giản

tamvu

21/06/2019 18:12

Facebook tuyên bố sứ mệnh của Libra là "Tiền tệ toàn cầu giản đơn và hạ tầng tài chính đem lại quyền lực cho hàng tỉ người dân". Nhưng Libra có thật đơn giản hay không?

White Paper của Libra cho thấy Libra là một loại tiền mã hoá (crypto) trên mạng private blockchain* (blockchain riêng) được điều hành bởi một cộng đồng các tổ chức hàng đầu của Mỹ có giá trị neo với một rổ tiền tệ gồm đô la Mỹ, bảng Anh, Euro, yên Nhật và Franc Thuỵ Sĩ. Loại tiền mã hoá này khá giống với một số tiền mã hoá riêng của ngân hàng trước đó, không quá phức tạp về kỹ thuật. Một nhóm khoảng 30 người lập trình giỏi có thể tạo ra đồng tiền tương tự trong vòng 6-12 tháng.

Ngày 18.6, Facebook công bố kế hoạch phát hành đồng tiền mã hoá mới Libra vào năm 2020 (Ảnh: Shutterstock)
Ngày 18.6, Facebook công bố kế hoạch phát hành đồng tiền mã hoá mới Libra vào năm 2020 (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng dù được thiết kế tốt thế nào và đang có thị trường quy mô vài trăm tỉ USD thì các loại crypto vẫn đang là đứa con lạc loài trong mắt giới tài phiệt tiền tệ và các ngân hàng trung ương (NHTW). Việc thuyết phục để một đồng crypto được chấp nhận như một phương tiện thanh toán mới là bài toán khó. Vì nếu chấp nhận một đồng crypto tồn tại song song với tiền pháp định (fiat money) đồng nghĩa với việc giới tài phiệt tiền tệ phải chia miếng bánh với một tay chơi mới. Đó là điều không thể nếu tay chơi đó không phải là Mark Zuckerberg, người có nhiều tham vọng đã có trong tay 2,38 tỉ người dùng hàng tháng.

Một cuộc chơi lớn cần phải có lá cờ chính nghĩa. Với Zuckerberg lá cờ đó là đem lại quyền lợi công bằng cho 1,7 tỉ dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống tài chính tiền tệ hiện đại, phải chịu phí chuyển tiền cao, vay nặng lãi và dễ bị cướp mất tài sản dành dụm được. Với lá cờ này Zuckerberg đã tập hợp được một lực lượng bao gồm 28 tổ chức hàng đầu thế giới cùng tham gia Libra. Chỉ riêng số lượng người dùng của các tổ chức này đã lên tới phân nửa dân số thế giới và cả trăm triệu nhà bán hàng. 

Zuckerberg cũng khéo léo tổ chức Libra như một mạng lưới phân quyền để tránh búa rìu dư luận. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các NHTW chưa đưa ra cam kết không xử lý (non-action) nào của đối với Libra. Nhưng có một bài báo ghi lại ý kiến của Chủ tịch FED Jerome Powell trả lời báo chí hôm 19/6. Ông Powell cho rằng tiền mã hoá còn lâu mới ảnh hưởng được đến chính sách tiền tệ và bật mí là "Facebook đã làm việc nhiều vòng với các NHTW và FED về Libra rồi, có nhiều lợi ích nhưng cũng có những rủi ro nên chúng tôi sẽ theo dõi sát sao".

28 bên tham gia trong mạng blockchain riêng (private blockchain) do Facebook khởi xướng trong dự án tiền mã hoá Libra
28 bên tham gia trong mạng blockchain riêng (private blockchain) do Facebook khởi xướng trong dự án tiền mã hoá Libra

Hãy thử xem đâu là lợi ích và đâu là rủi ro chính của Libra đối với FED và chính quyền Mỹ. Rủi ro là tiền crypto có thể bị thao túng bởi tổ chức phát hành. Điều này một NHTW quyền lực như FED có thể xử lý tốt bằng cách tham gia vào mạng blockchain này và trở thành một nút mạng (node) trong mạng blockchain riêng của Libra.

Rủi ro thứ hai là Libra có thể bị tấn công (hack) và đây là vấn đề của công nghệ. Mỹ chắc chắn là nước tiên phong về công nghệ nên không quá ngại điều này. Rủi ro thứ ba là sự không chấp nhận của nhiều chính phủ, khiến Libra không thể trở nên phổ biến. Vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chính quyền Mỹ và các nước đồng minh cùng bắt tay với Libra để chia các lợi ích dưới đây.

*Blokchain công khai (public blockchain) và Blockchain riêng (private blockchain)

Với public blockchain, tất cả các bên tham gia trực tiếp với nhau trên cơ sở ngang hàng (peer to peer) và không thông qua trung gian. Ngoài ra, việc tham gia vào một public blockchain không gặp bất cứ rào cản nào vì chúng đều là các phần mềm với mã nguồn mở. Trái lại, private blockchain lại đặt ra rào cản đối với những bên tham gia và có một người giữ cửa (gatekeeper) quản lý việc truy cập vào blockchain (trong trường hợp của đồng Libra thì Facebook đóng vai trò là người giữ cửa cùng với 27 bên khác cùng tham gia với tư cách là các node - nút mạng trong mạng blockhain).

Điều này cũng tương tự với intranet và internet. Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều chính phủ, ngân hàng và định chế tài chính từng cho rằng họ không thích internet (mạng công khai) vì không ai kiểm soát nó, nhưng lại thích intranet (mạng nội bộ) – thứ có thể kiểm soát được. Điều đó cũng giống như ngày nay, khi các ngân hàng và thậm chí nhiều Chính phủ cho biết họ thích blockchain nhưng không thích đồng bitcoin.

Rainer Michael Preiss - Chiến lược gia Quỹ Taurus Familly Office, cố vấn, cây viết phụ trách chuyên mục Vĩ mô, Tài chính và Công nghệ mới của Tạp chí Nhà Quản Lý

Lợi ích trước tiền đến từ sự phổ biến của đồng bạc xanh có thể tăng vọt nhờ được phân phối gián tiếp qua Libra. Hãy thử hình dung việc Libra tích trữ đô la Mỹ trong tài khoản rồi chuyển một lượng tiền mã hoá tương ứng cho người dân châu Phi chi tiêu có khác gì các ngân hàng truyền thống giữ tiền trong tài khoản rồi cho người dân Mỹ chuyển khoản online? Khi dân số sử dụng một loại tiền lên đến hàng tỉ người và FED được chủ động điều tiết cung tiền thì lợi ích khổng lồ đủ thuyết phục bất cứ tay tài phiệt nào. 

Đối với chính quyền Mỹ, nhất là tổng thống Mỹ Donald Trump thì lợi ích thứ hai hẳn cũng không kém phần hấp dẫn. Đó là Libra sẽ giúp chấm dứt nạn trợ giá xuất khẩu trá hình bằng tỉ giá thấp để nhiều nước duy trì thặng dư thương mại với Mỹ. Rất có thể việc chấp nhận Libra như ngoại tệ sẽ được đưa vào như một trong các chỉ tiêu để xếp một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Chính Việt Nam mới đây cũng thoát trong gang tấc khỏi danh sách này. Nếu thao túng thì sẽ bị áp thuế, nếu không muốn bị coi là thao túng thì phải tuân thủ một số điều kiện trong đó có việc giao dịch Libra như ngoại tệ.

Chỉ có một vấn đề nhỏ là loại ngoại tệ này không thể kiểm soát được giao dịch và đã có sẵn trong ví của hàng tỉ người dân trên toàn cầu (theo như mục tiêu mà Facebook khởi xướng). Và cuộc chiến giữa nội tệ với đồng crypto ngoại tệ sẽ giống như taxi truyền thống với Uber. Và các lợi ích trên càng quan trọng khi rơi vào đúng năm bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Sẽ có rất nhiều thay đổi nếu Libra đi đúng lộ trình công bố và những thay đổi đó có thể đến rất nhanh.

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "Libra: Dự án tiền mã hoá không đơn giản" tại chuyên mục Công nghệ.