Mở rộng cơ hội hợp tác với các nước Châu Phi và Trung Đông

thunguyen

10/09/2019 07:18

Với tổng dân số gần 1,7 tỉ người trên 70 quốc gia, Châu Phi và Trung Đông được đánh giá là một thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa khai thác triệt để.

Trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký và đàm phán với các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực, chưa có FTA nào Việt Nam ký với 70 nước thuộc Châu Phi và Trung Đông - ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao phát biểu tại buổi gặp mặt đại sứ các nước Châu Phí và Trung Đông lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Cơ hội giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực vẫn đang còn rộng mở, người đứng đầu Bộ Ngoại giao nhận định.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Châu Phi - Trung Đông năm 2018 đạt gần 20,5 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2017, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng.

Kỹ thuật viên Movitel - mạng di động của Viettel tại Mozambique (Ảnh: Viettel Global)
Kỹ thuật viên Movitel - mạng di động của Viettel tại Mozambique (Ảnh: Viettel Global)

Sản phẩm, dịch vụ Việt Nam có ưu thế trong xuất khẩu sang các nước Châu Phi và Trung Đông, theo ông Phạm Bình Minh, là nông thuỷ sản, sản phẩm gỗ, cơ khí nông cụ, lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam có thể tận dụng các ưu thế về vốn đầu tư, năng lượng, hợp tác lao động, nhập khẩu nguyên nhiên liệu đầu vào cho nông - công nghiệp - ông Phạm Bình Minh đề xuất.

Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô GDP cả nước. Độ mở của nền kinh tế đánh giá phần nào mức độ cởi mở của chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các cơ hội giao thương của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chưa bao giờ Việt Nam ký và đàm phán nhiều FTA như hai năm trở lại đây, với 6 FTA, theo thống kê của Trung tâm WTO. Từ năm 1993 đến 2018, số lượng FTA được ký kết chỉ có 12.

Đại sứ Israel, ông Nadav Eshcar cho biết, sắp tới đây nước này sẽ xúc tiến ký FTA với Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Sau mỗi FTA được ký, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Israel và đối tác thường tăng gấp rưỡi trong năm tiếp theo, ông Nadav Eshcar cho biết. Israel là một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt trên 40 nghìn USD/người/năm - trong điều kiện tự nhiên hoàn toàn không thuận lợi để phát triển kinh tế.

Triển lãm bên lề cuộc gặp với các đại sứ, tại Bộ Ngoại giao Việt Nam - thu hút chỉ khoảng 30 gian hàng. Trong đó, quá nửa các gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ chưa từng xuất khẩu sang châu Phi và Trung Đông.

Đại diện VietJet - một trong hai hãng bay có thị phần lớn nhất Việt Nam, cho biết hiện đường bay sang các nước Trung Đông vẫn đang được lên kế hoạch, rồi sau đó mới đến châu Phi. Hiện VietJet vẫn chưa có đường bay thẳng sang khu vực này.

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp sớm nhận diện nhu cầu đến từ thị trường Châu Phi và Trung Đông, khi các doanh nghiệp trong nước phần lớn mù mờ. Bà Cẩm Hằng - Giám đốc Công ty Gia đình Việt Nam (Family Vietnam) chuyên sản xuất viên than nén từ than gáo dừa - cho biết sản phẩm công ty đã xuất khẩu sang các nước Trung Đông như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon… Cơ hội xuất khẩu đến với bà Cẩm Hằng tình cờ khi bà đang là giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại, nhận ra nhu cầu mua than từ các nước Trung Đông mà chưa có một nhà sản xuất đủ uy tín, thường phải mua gom qua các trung gian. Hiện mỗi tháng Family Vietnam xuất khẩu khoảng 10 container than gáo dừa mang nhãn hiệu Cocoal. “So với than củi, than gáo dừa có nhiệt lượng cao hơn, tỷ lệ carbon nhiều hơn và không sinh khói khi cháy, được thị trường yêu thích khi dùng để nướng đồ ăn, hoặc hút shisha” - bà Hằng cho biết.

Thị trường mới mẻ cũng đồng nghĩa với việc ít cạnh tranh, tuy nhiên việc khai phá là vô cùng khó khăn.

Hiện tại các hình thức thanh toán tín dụng với các doanh nghiệp Trung Đông đang được tiến hành tương đối trôi chảy, nhưng với các nước châu Phi vô cùng khó khăn, bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm tác nghiệp tài trợ thương mại cho biết. Các doanh nghiệp châu Phi yêu thích phương thức bán hàng trả chậm, tức là nhận hàng trước, thanh toán sau, mà không dùng thư tín dụng để đảm bảo thanh toán. Việc đòi nợ sau đó là một hành trình dài. “Chỉ cần các ngân hàng Châu Phi tuân thủ các cam kết bằng hai phần ba các ngân hàng Việt Nam hiện tại, việc thanh toán sẽ trở nên trôi chảy” - bà Nhàn nhận định.

Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng giám đốc Viettel Global cho biết tại thị trường Burundi (Châu Phi), mỗi khi phát sinh nhu cầu giao dịch bằng đồng USD đều gặp khó khăn do dự trữ ngoại hối của nước này tương đối hạn chế, tỷ giá cao. Tại Mozambique cũng tương tự. Công ty gặp khó khăn khi nhập khẩu thiết bị từ các quốc gia khác trên thế giới, và ngay cả việc chuyển lợi nhuận về tập đoàn mẹ Viettel tại Việt Nam.

Trong tình hình các quốc gia trên thế giới đồng loạt tăng cường bảo hộ, việc khai phá thêm một khu vực các bước chân vẫn còn mờ nhạt, sẽ mở ra cơ hội mới, đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường Châu Phi và Trung Đông với mức phân hoá cao cùng nhu cầu đa dạng, đang là một sân chơi mới của các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục thế giới.

 

Châu Phi - Trung Đông với tổng cộng 70 quốc gia, trong đó có 69 quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (trừ Malawi - Châu Phi) có dân số gần 1,7 tỉ người, GDP đạt gần 4.000 tỉ USD, theo World Bank.

Khu vực này có mức phân hoá giàu nghèo cao, với thu nhập bình quân đầu người quốc gia thấp nhất là Nam Sudan (chưa đến 250 USD/người/năm) và cao nhất là Qatar (gần 130.000 USD/người/năm).

Chí Trung

thunguyen