Ngân hàng không ngủ

dang.pham

06/07/2019 15:03

Khi nhu cầu giao dịch của một người đã gần như phủ kín 24h trong một ngày, ngân hàng số là một xu hướng tất yếu phản ánh sự thẩm thấu của hoạt động ngân hàng vào đời sống.

Vài năm trở lại đây, cạnh các trung tâm thương mại, dưới các tòa nhà, cao ốc văn phòng của TP.HCM xuất hiện thêm các điểm nhìn giống cây ATM, nhưng có diện tích gấp đôi một cây ATM thông thường. Khó ai có thể mường tượng được đây chính là một “quầy giao dịch” của một ngân hàng.

Hơn 10 giờ tối, quầy giao dịch tự động của ngân hàng số LiveBank trên đường CMT8, quận 1, TP.HCM, khách hàng vẫn có thể đến để thực hiện các giao dịch như gửi tiết kiệm, mở tài khoản, nộp tiền trong một quầy giao dịch có diện tích vỏn vẹn hai mét vuông.

Theo ông Nguyễn Hưng, giám đốc phụ trách mảng ngân hàng số LiveBank của TPBank cho biết, khoảng 64% giao dịch của LiveBank là ngoài giờ hành chính, trong đó có 29% là vào khoảng 17 giờ đến 20 giờ với 80% khách hàng là những người dưới 35 tuổi, những người trẻ tò mò, thích trải nghiệm những điều mới lạ.

Quầy giao dịch LiveBank buổi tối muộn trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Hoàng Việt)
Quầy giao dịch LiveBank buổi tối muộn trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Hoàng Việt)

Ngân hàng số hoạt động 24/7 là một khái niệm xuất hiện tại Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây. Hình thức này xóa bỏ đi quan niệm giao dịch ngân hàng chỉ có thể thực hiện trong khung giờ “9 to 5” (giờ hành chính). Khái niệm về ngân hàng số vượt qua những quy tắc truyền thống đang được một số ngân hàng tại Việt Nam để mắt tới.

Kéo cửa bước vào, màn hình ở của máy sẽ tự động phát ra lời chào “chào mừng quý khách đến với điểm giao dịch tự động của ngân hàng số LiveBank”. Sau đó, máy phát đi hướng dẫn khách hàng chạm vào màn hình cảm ứng bên dưới để chọn giao dịch cần thực hiện. Nếu khách hàng mở tài khoản hoặc gửi tiết kiệm, máy sẽ tự động kết nối trực tuyến với giao dịch viên.

Khách đến giao dịch tại các điểm LiveBank sẽ tương tác trực tiếp với giao dịch viên thông qua đường truyền của ngân hàng. Chính thức hoạt động được hơn một năm, đội giao dịch viên của LiveBank có khoảng 6 người cho mỗi ca trực tại hội sở, phục vụ khoảng 100 điểm giao dịch tại hơn 20 tỉnh, thành phố, không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM mà còn Thái Nguyên, Lào Cai, An Giang.

(Ảnh: Hoàng Việt)
(Ảnh: Hoàng Việt)

Máy giao dịch tự động của LiveBank có hai phần, phần thứ nhất bên trái bao gồm màn một hình khoảng 25 inch bên trên hiển thị hình ảnh giao dịch viên và một màn hình khác lắp trên mặt bàn để khách hàng chọn lựa thao tác. Phần thứ hai ở phía bên phải gồm khe scan tài liệu và hộp nhận tiền.

Đối với một khách hàng mới, đến mở thẻ, giao dịch viên sẽ hỏi khách hàng đang sử dụng chứng minh nhân dân hay căn cước công dân, hay hộ chiếu vì máy có thể phân chia để nhận dạng từng loại thẻ. Sau đó, máy tự động scan hai mặt của thẻ. Vì không có nhân viên trực tiếp tại quầy như các ngân hàng truyền thống, các loại giấy tờ để mở tài khoản cùng với chứng minh nhân dân sẽ được thực hiện thông qua máy scan, và công nghệ lấy dấu vân tay. Thông qua tính năng nhận biết kí tự trên chứng minh nhân dân, công việc còn lại của khách hàng là ký tên xác nhận thông tin và chụp ảnh ngay tại máy. Ông Hưng chia sẻ, LiveBank có thể phát hiện dấu hiệu an ninh nhằm kiểm chứng thông tin thật giả của chứng minh thư khách hàng sử dụng, công nghệ OCA chuyển từ hình ảnh sang chữ viết.

Ngoài hai camera trên máy, trong phòng giao dịch có lắp thêm một camera khác ở trên trần. Phòng thiết kế đủ kín để việc trao đổi bên trong không lọt ra ngoài. Giao dịch viên cũng có thể nhìn thấy hoạt động bên ngoài phòng, nhắc nhở khách chú ý xe khi có người lạ đến.

Các tính năng trên chính là công cụ TPBank dùng để kiểm soát rủi ro cho LiveBank nhằm xác định thông tin khai báo của khách hàng là thật hay giả. Ngoài ra, chứng từ in ra từ máy của LiveBank đều có một mã QR duy nhất dùng để phòng chống việc làm giả giấy tờ, chứng từ gốc nạp vào máy.

Từ đây, mọi thông tin của khách hàng trên thẻ sẽ tự động điền vào biểu mẫu đăng kí mở tài khoản và đồng thời hiển thị lên màn hình cảm ứng. Mọi hoạt động và thao tác của khách hàng đều được giao dịch viên nắm bắt theo thông qua camera và hệ thống đường truyền. Điều này có nghĩa giao dịch viên sẽ lưu ý khi khách hàng thao tác sai. Khách hàng được hướng dẫn kiểm tra và chỉnh lại thông tin qua tiếng Việt không dấu. Sau khi xác nhận thông tin trên tờ đăng kí, máy sẽ in ra cho khách hàng kí tên. Giao dịch viên hướng dẫn khách hàng đặt đơn đăng kí lên khe scan máy in bên phần thứ hai bên trái. Ngân hàng thu đơn đăng kí mở thẻ bằng cách hướng dẫn khách hàng đưa giấy vào khe nhận tài liệu của máy.

Máy thứ hai chứa khe scan hai mặt tài liệu, và hộp nhận tiền mặt khách hàng gửi tiết kiệm hay nộp tiền vào tài khoản. Riêng về hộp nhận tiền, khi khách chọn gửi tiết kiệm hoặc nộp tiền, giao dịch viên hướng dẫn khách hàng bỏ tiền vào hộp. Sau khi nhận tiền, máy tự động đếm và phân loại tiền rồi hiển thị lên màn hình cảm ứng. Hoạt động đếm tiền tự động này diễn ra chỉ trong vài giây. Ngoài đếm tiền, máy cũng có khả năng phân biệt tiền thật giả và lưu lại số seri để xử lý nếu khách hàng có tranh chấp. Định kì sẽ có nhân viên của ngân hàng đến lấy đơn đăng kí trong máy.

Đối với thẻ tín dụng nội địa, khách hàng có thể chọn nhận ngay sau khi đăng kí tại máy mà không phải đợi một đến hai tuần theo lịch hẹn. Điều khác biệt là thẻ phát hành tại chỗ sẽ không được in tên khách hàng như thông thường.

Các máy ngân hàng số có thể đặt tại cạnh ngân hàng truyền thống hoặc những vị trí như mặt phố, khu dân cư, khu văn phòng, trường học, trung tâm thương mại. Tại mỗi cây ngân hàng số của LiveBank hiện đều có camera ở các hướng khác nhau, có chức năng kiểm soát rủi ro khi giao dịch, và được lưu lại trong vòng ba năm. Trước đây, việc giao dịch ngân hàng số thông qua camera chưa được chấp nhận nhưng theo giấy phép gần đây nhất thì Ngân hàng Nhà nước đã được thông qua, ông Hưng chia sẻ. Trong thời gian tới, Live Bank sẽ tích hợp thêm các tính năng sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt và không cần đến chứng minh nhân dân hay thẻ ngân hàng.

Cũng là ngân hàng số nhưng Timo Bank của VPBank lại chọn hướng tiếp cận khác. Khác với những điểm giao dịch của ngân hàng truyền thống, ngân hàng số Timo Bank nằm trên đường Paster, Quận 1, được thiết kế như một tiệm cà phê nhỏ với đèn nhẹ và gam màu tím than đặc trưng. Timo Bank, viết tắt từ “time” và “money”, có thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối đều đặn mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, cứ thế duy trì từ hai năm nay.

Mỗi nhân viên Timo được trang bị một màn hình Ipad, dùng để hướng dẫn khách mở thẻ trên chính điện thoại thông minh của mình. Khách hàng nhập thông tin cá nhân. Ngân hàng xác nhận với chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân với ngân hàng và thậm chí không cần đến thu thập dấu vân tay hay chụp ảnh khách hàng như LiveBank. Các giao dịch sau đó, khách hàng có thể tự làm thông qua app của ngân hàng. Lãnh đạo của Timo Bank đa phần là người nước ngoài và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng số.

Quầy giao dịch offline của Timo Bank thiết kế như một quán cà phê - Ảnh: Timo
Quầy giao dịch offline của Timo Bank thiết kế như một quán cà phê - Ảnh: Timo

Nhằm hấp dẫn khách hàng, Timo mạnh tay gạt bỏ các loại phí mà khách hàng thường trả khi sử dụng ngân hàng truyền thống như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí chuyển khoản. Lãi suất của tiền gửi tiết kiệm của cả Timo Bank và LiveBank cũng cao hơn so với ngân hàng truyền thống.

Quầy giao dịch tự động, tiệm cà phê ngân hàng hay những ưu đãi về phí mà các ngân hàng số tại Việt Nam cung cấp cho khách hàng vẫn thực chất chưa phải là các yếu tố đỉnh cao mà ngân hàng số hướng đến. “Tận hưởng ngân hàng không giấy tờ, không chữ kí, không chi nhánh” (Enjoy paperless, signatureless, branchless banking) là slogan của Digibank, ngân hàng số đầu tiên tại Ấn Độ thuộc sở hữu của ngân hàng đến từ DBS đến từ Singapore. Năm 2016, DBS từng được Euromoney bình chọn là ngân hàng số tốt nhất trên thế giới.

Ngân hàng số cho phép khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thông qua ứng dụng điện thoại, máy tính cá nhân, ti vi có kết nối internet vào mọi lúc, mọi nơi. Khách hàng vẫn được phát hành thẻ để rút tiền mặt như ngân hàng truyền thống. Cùng là lĩnh vực fintech nhưng ngân hàng số khác ví điện tử và internetbanking ở chỗ, ngân hàng số không chỉ cho phép khách hàng kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn mà khách hàng còn có thể mở tài k hoản thẻ thanh toán nội địa và quốc tế và nội địa, gửi tiết kiệm. Khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngay sau khi mở tài khoản.

Ví điện tử sẽ là tập hợp tài khoản của nhiều tài khoản ngân hàng trên một app, dùng để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt. Khác với internet banking là hoạt động được các ngân hàng truyền thống thêm vào như một tiện ích gia tăng cho khách hàng, hoạt động ngân hàng số (digital banking) có thể triển khai các công việc của một ngân hàng truyền thống như cho vay tín dụng và cả các sản phẩm tài chính khác.

Tại Việt Nam, Timo Bank có mặt từ tháng 6.2016 sớm hơn LiveBank. Timo Bank là ngân hàng số dưới sự bảo trợ bởi ngân hàng VPBank. Hai ngân hàng này đưa ra thỏa thuận khách hàng của Timo Bank sẽ không được mở tài khoản tại VPBank và ngược lại. Hiện mô hình “cà phê ngân hàng” của Timo Bank mở rộng ra khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Tiện lợi là vậy, tuy nhiên theo ông Hưng thách thức nhất của ngân hàng số là các vấn đề phía sau như việc xử lý thông tin và tích hơp vào hệ thống. Ngân hàng số cũng phải luôn đảm bảo đường truyền liên thông từ hội sở đến các trạm và công việc phân luồng để không bị tắc nghẽn các giao dịch của khách hàng. Đối với một ngân hàng có quy mô trung bình và trẻ như TPBank, khối lượng công việc tương đối nhẹ gánh hơn các ngân hàng có quy mô lớn. Do đó, như trường hợp của Timo Bank, VPBank chỉ giữ vai trò bảo hộ và hoạt động độc lập. Khi quy mô các ngân hàng số trong cùng hệ thống được mở rộng thì chi phí về của LiveBank càng thấp. Chi phí của mỗi giao dịch qua ngân hàng số chỉ bằng rất nhiều so với ngân hàng truyền thống, ông Hưng nói.

Ngân hàng điện tử là xu hướng tất yếu, ông Hưng nhấn mạnh. Để có lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí, tăng hiệu quả thì chắc chắn phải tính đến ngân hàng số. Trên thực tế, các ngân hàng cũng chịu cạnh tranh bởi các công ty công nghệ tài chính. LiveBank ra đời như một cánh tay nối dài của ngân hàng truyền thống, nó không sinh ra lợi nhuận trực tiếp mà hỗ trợ các lợi ích trong quá trình quản trị rủi ro về gian lận con người, giảm chi phí giao dịch.

“Trong tương lai, ngân hàng số có xu hướng hoạt động độc lập hay là một kênh của ngân hàng truyền thống, theo tôi, còn phải tùy thuộc vào hạ tầng công nghệ, chiến lược, chiến lược kinh doanh cũng như hệ sinh thái sẵn có của từng ngân hàng. Nhưng tôi cho rằng, ngân hàng số hay ngân hàng truyền thống cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng”, ông Hưng nói.

Dâng Phạm
Ảnh ngoài: Bảo Zoãn (Tạp chí Nhà quản lý)

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng không ngủ" tại chuyên mục Khoa học quản lý.