Nỗi lo của ngành hàng không

minhtam

Khó khăn ngành hàng không phải đối mặt nhiều hơn sự sụt giảm doanh thu tức thời khi dịch bệnh lên cao.

Hiệp hội Vận tải Hàng không (IATA) ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu có thể giảm 113 tỉ USD trong năm 2019 nếu dịch Covid 19 lan rộng. Trong một kịch bản lý tưởng hơn, khi dịch được kiểm soát như đến ngày 2.3, các hãng hàng không trên toàn cầu vẫn mất khoảng 63 tỉ USD.

Ở kịch bản này, dù IATA cho rằng ngành hàng không sẽ dần phục hồi, lượng hành khách tại Trung Quốc - nơi có số người nhiễm virus lớn nhất được dự đoán giảm 23%. Các quốc gia có trên 100 người nhiễm khác như Ý và Hàn Quốc lần lượt giảm 24% và 14% khách bay.

Ngay với những nước kiểm soát tốt dịch như Việt Nam, Cục Hàng không ước tính doanh thu của các hãng sẽ giảm 1,1 tỉ USD do virus. Sợ lây nhiễm và lo ngại cách ly khiến khách hàng thận trọng hơn khi di chuyển.

Ông Phạm Văn Quang, lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối dược phẩm, thiết bị y tế Hinew đã hủy năm chuyến công tác được lên kế hoạch từ trước trong tháng hai. “Bất đắc dĩ tôi phải bay một chuyến đi Bali vào cuối tháng. Nếu không quá cấp bách, các chuyến công tác của chúng tôi đều hoãn lại phòng trường hợp một người đi mắc bệnh lây sang cả đội", ông Quang chia sẻ. Trước đây, ngay cả nhân viên kinh doanh của công ty này mỗi tháng trung bình phải bay một chuyến.

Nhiều cuộc hội họp thường niên của các doanh nghiệp lớn phải hủy bỏ. Google hủy hội nghị các nhà lập trình dự kiến vào 12-14.5 tại bang California. Hội nghị thường niên F8 của Facebook diễn ra vào tháng 5 cũng tương tự.

Ở doanh nghiệp tưởng chừng không chịu nhiều sức ép về di chuyển, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam và Campuchia của một fintech có trụ sở tại Israel vẫn lo ngại dịch covid 19. Khác với suy đoán thông thường, 40% công việc hiện tại của ông Nam không hoàn thành nếu chỉ làm trực tuyến. Tuần tới, ông cần bay một chuyến từ TP.HCM ra Hà Nội.

“Sẽ rất rủi ro vì khó để xác định có ai trên chuyến bay mắc bệnh không. Vài ngày sau, một hành khách tương tự trường hợp vị người Nhật quá cảnh tại Tân Sơn Nhất bị phát hiện dương tính với virus, những người còn lại cũng bị cách ly. Khi ấy, tất cả các công việc bị đình trệ”, ông Nam bày tỏ sự phân vân khi phải lựa chọn. Nếu được, vị khách thường xuyên của ngành hàng không tránh bay.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở một số nước. Việt Nam mới phát hiện ca dương tính với virus trở về từ Ý sau hơn 20 ngày cả nước không có thêm bệnh nhân mới. Chỉ với một bệnh nhân, khoảng 200 hành khách, 16 thành viên tổ bay cùng thân nhân gia đình, 17 bác sĩ khám cho bệnh nhân được xác định tiếp xúc gần. Người dân cùng khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) với cũng phải cách ly tại chỗ.

Trước khi phát hiện bệnh nhân này và dự tính công bố hết dịch trong tuần tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 khẳng định sẽ luôn sẵn sàng cho các tình huống. Trong đó, biện pháp cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh, tránh lây lan được ông Đam đánh giá là “vô cùng quan trọng”. Đây là biện pháp được Chính phủ thực hiện cứng rắn. Không chỉ người tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh hay từ vùng dịch về, những người có liên quan cũng được theo dõi kỹ.

Nỗi bất an đến từ những điều chưa biết rõ. Và sân bay - chốn gặp gỡ nhiều người xa lạ nhanh nhất chính là nơi mang nhiều nỗi bất an như vậy. Đây là điều mà ngành hàng không đang đối mặt.

                                                                                                                                                                                                                                  Tâm Phạm

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo của ngành hàng không" tại chuyên mục Khoa học quản lý.