Phó Chủ tịch Hội thiết bị Y tế Việt Nam: 80% nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế tại Việt Nam phải nhập khẩu

Hải Phong

10/05/2024 14:58

Ngày 9/5 tại Hà Nội, Hội Thiết bị Y tế Việt Nam phối hợp Liên minh công nghiệp nội soi Trung Quốc tổ chức Hội nghị giao thương Tìm hiểu thị trường Vật tư – Thiết bị Nội soi tại Việt Nam. Đây được đánh giá là sự kiện quan trọng nhằm tăng cường hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực nội soi quốc tế đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu thiết thực của thị trường và các doanh nghiệp hai quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Đắc Biên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thiết bị Y tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất và phân phối trang thiết bị y tế. Cụ thể, Việt Nam với dân số 104 triệu dân có một hệ thống khám, chữa bệnh hoàn chỉnh gồm 4 cấp: Cả nước hiện có 43 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến trung ương, trong đó có 5 bệnh viện cấp đặc biệt; 70 bệnh viện đa khoa, khoảng từ 320 – 345 bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; 705 đơn vị bao gồm 528 bệnh viện huyện, 79 bệnh viện thành phố trực thuộc tỉnh, 46 bệnh viện quận và 51 bệnh viện thị xã; hệ thống y tế thôn bản – y tế tuyến xã. 

ong-ha-dac-bien-pld-1715319810.jpg
Ông Hà Đắc Biên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thiết bị Y tế Việt Nam.

Nhu cầu về trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện trên là rất lớn. Trong khi đó, sức sản xuất thiết bị y tế trong nước còn rất hạn chế, cho nên khoảng trên 80% nhu cầu sử dụng phải nhập khẩu. Ước tính hàng năm, kinh phí để nhập khẩu trang thiết bị y tế chiếm khoảng hơn 2 tỷ USD.

“Hiện nay, tại Việt Nam đã có mặt nhiều Văn phòng đại diện của nhiều nhà sản xuất trang thiết bị y tế có uy tín trên thế giới như: Mỹ, Đức, Hà Lan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…” – ông Biên cho biết thêm.

Hội nghị giao thương Tìm hiểu thị trường Vật tư – Thiết bị Nội soi tại Việt Nam tập trung vào các chủ đề chính: Hiện trạng và tương lai phát triển của thị trường thiết bị y tế Việt Nam; Nhu cầu và cải tiến nội soi tại Bệnh viện Việt Nam; Luật pháp và các quy định về Xuất nhập khẩu Thiết bị y tế hiện hành của Việt Nam; Dịch vụ và mô hình thương mại Thiết bị y tế tại Việt Nam.

Cùng với đó là các tham luận, chia sẻ chuyên môn về Ứng dụng nội soi 3D+4K trên lâm sàng; Bệnh án lâm sàng nhìn rõ hình ảnh sinh thiết; Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực nội soi y tế;… của phía các đơn vị quốc tế.

Đặc biệt, nhằm tăng cường giao thương hiệu quả cho các đơn vị; trong thời gian diễn ra Hội nghị, Ban tổ chức còn tổ chức các chương trình tham quan khảo sát thị trường, làm việc trực tiếp với các đơn vị y tế hàng đầu của Việt Nam như Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh viện E…; tham quan “Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024” kết nối cho đoàn doanh nghiệp làm việc hơn 500 gian hàng của 350 doanh nghiệp hàng đầu về trang thiết bị Y tế, Dược phẩm đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

thiet-bi-noi-soi-pld-1715319810.jpg
Hội nghị giao thương Tìm hiểu thị trường Vật tư – Thiết bị Nội soi tại Việt Nam.

Được đánh giá là một ngành tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường Y tế Việt Nam luôn được các chuyên gia cho rằng vô cùng tiềm năng, thu hút đầu tư và có tốc độ phát triển bền vững trong khu vực. Theo báo cáo của Vietnam Report (Công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường); thị trường chăm sóc sức khỏe và ngành dược Việt Nam mới đây ghi nhận, có hơn 42% số doanh nghiệp trong ngành nhận định ngành dược sẽ phát triển trong năm 2023. Dự báo, đến năm 2025 tổng chi tiêu cho ngành y tế đạt 23,3 tỷ USD. Còn theo Report Ocean, thị trường thiết bị y tế Việt Nam dự đoán sẽ đạt 2.862,6 triệu USD vào năm 2028.

Với những dự báo nhiều tiềm năng về thị trường ngành y tế, đại diện Ban tổ chức, ông Hà Đắc Biên tin tưởng rằng Hội nghị sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội soi nói riêng, lĩnh vực trang thiết bị y tế trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, tìm hiểu thị trường, đối tác, liên doanh, liên kết, đầu tư, nhằm thu hút đầu tư vào thị trường Việt Nam, góp phần vào việc phát triển mạnh hơn nữa trao đổi thương mại, hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.  

Hải Phong