Thấy gì qua việc từ nay Lâm Đồng sẽ không chấp thuận dự án liên quan đến đất rừng?

Gia Bảo

17/09/2023 20:13

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Từ nay trở đi, UBND tỉnh không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến đất rừng, đất lâm nghiệp nếu không thuộc danh mục thu hút đầu tư của tỉnh đã công bố".

Không chấp thuận dự án liên quan đến đất rừng

Dư luận đang bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm bảo vệ rừng xung quanh việc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đầu tư dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Lâm Hà của Công ty CP Địa ốc Phú Đông (Công ty Phú Đông) tuy nhiên sau đó bị UBND tỉnh Lâm Đồng “tuýt còi”.

Cụ thể là ngày 18/5/2023, Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo thẩm định gửi UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu đầu tư cho Công ty Phú Đông.

Trước đó, Phú Đông xin đầu tư dự án Quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Lâm Hà.

Sau khi tiến hành cuộc họp, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất từ nay trở đi tỉnh không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp nếu không thuộc danh mục thu hút đầu tư đã công bố. 

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở KH-ĐT phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư…Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, việc cho thuê đất rừng, đất lâm nghiệp phải thực hiện đúng quy định về đất đai, lâm nghiệp và quản lý sử dụng tài sản công. Nếu có, phải lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, đấu giá.  

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, việc thực hiện ưu đãi đầu tư phải áp dụng phù hợp với danh mục thu hút và ưu đãi đầu tư của địa phương.

Qua tìm hiểu, vào năm 2022, Công ty Phú Đông đã đề xuất thực hiện dự án Quản lý bảo vệ rừng kết hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại một phần tiểu khu 263A, xã Mê Linh và tiểu khu 263B, 270 thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà với diện tích gần 350 ha.

z3849240356564-45899396f79e04f898529ed1752e417a-1694956090.jpg

Ảnh minh hoạ.

Trong diện tích đất do Công ty Phú Đông đề xuất triển khai dự án có 90ha, là nơi sinh sống và canh tác nông nghiệp của khoảng 100 hộ dân, nằm rải rác. Công ty Phú Đông được biết đến là một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực BĐS ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này là ông Ngô Quang Phúc. Ông Phúc cũng đang ngồi ghế Tổng giám đốc của doanh nghiệp này. Trước khi về Phú Đông, ông Phúc từng là lãnh đạo cấp cao ở Him Lam.

Theo quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt điều chỉnh, tiểu khu 270 được định hướng quy hoạch là đất rừng sản xuất. Còn tại tiểu khu 263B là đất quy hoạch du lịch sinh thái. 

Trong thời gian, tỉnh Lâm Đồng cũng liên tục rà soát, kiểm tra và xử lý đối với việc giao đất, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.

Theo báo cáo số 67/BC-UBND về kết quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2018 đến hết quý I/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng vào ngày 31/3/2022.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 2.856 vụ vi phạm (gồm 1.516 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, chiếm 53% và 1.340 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm, chiếm 47%). Diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích lên đến 431,8 ha.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án/307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52/722 ha.

Nhiều mối lo

Hiện nay, tình trạng phá rừng làm dự án đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng/đất rừng để làm các dự án kinh tế gây nhiều lo ngại trong dư luận.

Đáng chú ý, năm 2021 Gia Lai đã chuyển đổi gần 270 ha rừng đang giữ vai trò phòng hộ, sinh thái cảnh quan, sinh kế, văn hóa cho người dân địa phương để làm dự án khu phức hợp bao gồm sân golf Đak Đoa.

Cũng trong năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có 74 dự án được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích gần 869 ha rừng.

Năm 2023, Đắk Lắk bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với hơn 320 ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng. Còn tỉnh Tuyên Quang đã chuyển đổi hơn 155 ha rừng làm khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm.

Tỉnh Lâm Đồng, ngoài một số dự án gần đây dư luận bức xúc như chuyển đổi 5,3 ha rừng thông phòng hộ trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty Sacom Tuyền Lâm; hay Công ty TNHH Vĩnh Tiến đã tự ý chuyển đổi trái phép hơn 100 ha đất rừng…

Dự kiến trong gần 10 năm tới, Lâm Đồng cho biết sẽ chuyển đổi hơn 5.800 ha rừng, bao gồm rừng đặc dụng, phòng hộ (chiếm hơn 2.000 ha) và rừng sản xuất cho các dự án kinh tế (chiếm gần một nửa tổng diện tích rừng), dự án công trình công cộng… 

Đó là chưa kể tình trạng nhiều tỉnh thành đã hoặc đang đề nghị đưa hàng chục ngàn ha đất rừng ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, như Lâm Đồng đề nghị đưa 52.000 ha, Gia Lai là 44.000 ha… vì nhiều lý do, bao gồm mục đích dành quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển. 

Theo một số chuyên gia, việc phá nhiều diện tích rừng làm dự án kinh tế đang để lại nhiều mối lo. Các giá trị của rừng hiện nay đã không còn chỉ nhìn ở đo đếm trữ lượng gỗ. Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài động, thực vật và các yếu tố môi trường, đa dạng sinh học khác, có giá trị về môi trường, sinh kế, cảnh quan, đời sống văn hóa xã hội… cho cả một cộng đồng tại khu vực đó. Để hình thành được một cánh rừng thực sự, không phải chỉ cần trồng một cái cây lên, không chỉ cần thời gian đủ dài, mà còn cần rất nhiều điều kiện cần và đủ khác. 

Gia Bảo