Thế hệ trẻ Đông Nam Á ưu tiên tìm kiếm kỹ năng hơn lương bổng

dang.pham

20/08/2019 18:55

Quan niệm tiền lương quyết định công việc đang dần trở nên lỗi thời khi đa phần lao động trẻ thuộc thế hệ Y và Z quyết định thay đổi công việc vì muốn học thêm các kỹ năng mới.

Khảo sát với 56.000 người trẻ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của World Economic Forum (WEF) và Sea cho thấy, có tới có tới hơn 60% cho rằng kỹ năng hiện tại đã lỗi thời và cần trau dồi liên tục. Con số này ở Việt Nam là gần 80%. 

Báo cáo cũng chỉ ra mặc dù giới trẻ ASEAN có nhu cầu cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhưng các kỹ năng về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) lại nằm trong số ba trong bốn kỹ năng yếu nhất của họ. 

Do đó, đa phần lao động trẻ nằm trong nhóm thế hệ Y và Z thay đổi công việc vì muốn học thêm các kỹ năng mới, điều này góp phần gia tăng thu nhập của họ trong tương lai. Những lý do khác của việc thay đổi công việc bao gồm: mong muốn tạo ra một tác động xã hội tích cực hơn và có một môi trường làm việc sáng tạo hơn.

Sau đây là những lý do hàng đầu khiến người trẻ tại khu vực ASEAN muốn thay đổi công việc, theo khảo sát của World Economic Forum và Sea
1. Tìm kiếm cơ hội mới để họ tập và phát triển
2. Lương bổng
3. Lý do khác
4. Tìm kiếm cân bằng cuộc sống
5. Tìm kiếm công việc có thời gian linh hoạt
6. Tìm kiếm một môi trường đổi mới
7. Tìm kiếm môi trường có văn hóa làm việc đa dạng
8. Tìm công việc có liên quan đến cộng đồng xã hội
9. Muốn làm chủ
10. Những kỹ năng của bản thân đang dần mai một
11. Tìm vị trí cao hơn
12. Tìm kiếm nhiều quyền lợi
13. Cơ hội du lịch
14. Công việc hiện tại gây thất vọng vì trở nên lạc hậu

Hơn 80% người tham gia khảo sát cho rằng, kỹ năng họ học khi đi làm còn quan trọng hơn cả những kiến thức họ được đào tạo trên nhà trường. Hơn một nửa trong số đó muốn làm việc tại nước ngoài trong ba năm tới.

“Khó mà hình dung công nghệ sẽ thay đổi tương lai của nghề nghiệp như thế nào”, Justin Wood, Trưởng nhóm châu Á - Thái Bình Dương và thành viên Uỷ ban Điều hành của WEF nhận định. “Điều chắc chắn duy nhất có thể thấy là công nghệ sẽ tạo nên sự thay đổi liên tục, và vòng đời của các kỹ năng ngày càng rút ngắn, do đó đòi hỏi họ phải ý thức được việc này và đồng thời có một sự cam kết về việc học tập suốt đời”.  

Công việc hiện tại và công việc trong tương lai người trẻ ASEAN hướng tới - World Economic Forum và Sea
Công việc hiện tại và công việc trong tương lai người trẻ ASEAN hướng tới - Theo World Economic Forum và Sea

Santitarn Sathirathai, nhà kinh tế trưởng của Sea cho rằng: “Trong một môi trường có sự thay đổi liên tiếp, những khả năng như thích nghi, lãnh đạo hay sáng tạo sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo cho việc nhanh chóng phục hồi để liên tục phát triển các bộ kỹ năng của họ”.

Người trẻ có xu hướng làm trái nghề cao. Khi được hỏi về nghề nghiệp tiềm năng nhất trong tương lai, đa phần các người tham gia khảo sát chọn lĩnh vực công nghệ. Hiện có khoảng 7% người thực hiện khảo sát đang làm trong lĩnh vực công nghệ nhưng trong tương lai con số này có thể tăng lên thành 16%. Trong khi đó, đối với những ngành nghề truyền thống, có 15% người tham gia khảo sát đang làm trong các ngành sản xuất nhưng chỉ có 12% muốn làm công việc này trong tương lai. Tương tự, có 8% người tham gia khảo sát đang làm ngành giáo dục nhưng trong tương lai có thể giảm xuống còn 5%.

“Những tiến bộ của công nghệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong thời gian tới và đòi hỏi việc học tập cũng như đào tạo kỹ năng liên tục”, theo ông Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành Bộ phận Xã hội và Nền kinh tế mới thuộc WEF.

Sinh ra từ năm 1982 đến năm 2000, thế hệ Y còn gọi là các millennials hiện chiếm 30% dân số của Việt Nam, xấp xỉ 28 triệu người, theo Anphabe. Còn theo nghiên cứu của Nielsen riêng tại Việt Nam thế hệ Z (sinh từ 1996 trở đi) sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia tính đến năm 2025.

Dâng Phạm

dang.pham