Thêm một hãng hàng không xin phép bay

thunguyen

26/08/2019 13:13

Hãng hàng không Cánh Diều - KiteAir thuộc Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh vừa xin phép thành lập với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, đầu tư 30 chiếc máy bay thân hẹp đến năm 2024.

Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều các hãng bay trong nước. Bên cạnh năm hãng hiện có bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Vasco, JetStar và Bamboo Airways - trong đó Bamboo Airway vừa cất cánh vào đầu năm nay, hiện có hai hãng đang chờ được cấp phép là Vinpearl Air của Vingroup và Vietravel Airlines của Vietravel. Nếu được chấp thuận toàn bộ, thị trường 95 triệu dân sẽ chính thức có tám hãng bay.

Airbus A320 - dòng máy bay thân nhỏ dự kiến được KiteAir đưa vào vận hành (Ảnh: Airbus)
Airbus A320 - dòng máy bay thân nhỏ dự kiến được KiteAir đưa vào vận hành (Ảnh: Airbus)

Trước đây, Thiên Minh công bố hợp tác với hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia để thành lập một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam, nhưng kế hoạch đã chấm dứt vào tháng Tư vừa qua. KiteAir hiện tại chỉ có ba cổ đông trong nước là Thiên Minh nắm 30%, ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch Thiên Minh nắm 60% cổ phần, còn lại 10% cổ phần thuộc bà Trần Hằng Thu.

Liên tục thành lập mới các hãng bay thương mại, thị trường hàng không Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu phi công và quá tải hạ tầng.

Theo ước tính của BAA Training, một trong những trung tâm đào tạo phi công lớn nhất Bắc Âu, mỗi năm thị trường hàng không Việt Nam có nhu cầu thêm khoảng 670 phi công. Tuy nhiên, Bay Việt - trung tâm đào tạo phi công thương mại duy nhất hiện nay của Việt Nam, kể từ khi thành lập năm 2008 đến nay mới chỉ đào tạo được khoảng 750 phi công, theo hình thức một phần ba thời gian học trong nước, hai phần ba thời gian thực hành tại nước ngoài

Vingroup - tập đoàn vừa thành lập hãng bay Vinpearl Air đã lên kế hoạch đào tạo 400 phi công cho khoá học đầu tiên. Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ tuyển sinh khoá đào tạo đầu tiên vào năm 2022 với các vị trí phục vụ ngành hàng không từ phi công, phục vụ đến tiếp viên…

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp quản lý và vận hành hầu hết hệ thống cảng hàng không Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ 2018, lần lượt đạt 12% và 20%. ACV chủ trương mở rộng hoạt động bằng việc đề xuất làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành - một trong các giải pháp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Vốn đầu tư cho dự án này ước tính 4,7 tỉ USD. Các sân bay nhỏ tại các tỉnh/thành phố cũng đang được đầu tư mở rộng để đón các máy bay lớn hơn. ACV dự kiến rót 3.500 tỉ đồng đầu tư xây mới sân bay Điện Biên, hoàn thành vào năm 2022.

Là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - thị trường hàng không Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Số chuyến bay khai thác của các hãng hàng không trong nước nửa đầu năm 2019 tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng của năm 2018 là 9% - theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam.

Doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines và Vietjet - hai hãng bay chi phối thị trường trong sáu tháng đầu năm 2019 tăng trưởng lần lượt 3,9% và 7,8% so với cùng kỳ 2018 trong khi năm ngoái, mức tăng trưởng được ghi nhận lần lượt 46,4% và 14%.

Đan Nguyên

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Thêm một hãng hàng không xin phép bay" tại chuyên mục Khoa học quản lý.