Vietjet bắt tay cùng Grab

dang.pham

08/08/2019 08:25

Đây là bước đi mới cho tham vọng xây dựng giải pháp kết nối giữa đường bộ và đường hàng không tại Đông Nam Á của Grab và trở thành một “Consumer Airline” đối với Vietjet.

Ngày 7.8.2019, siêu ứng dụng của Đông Nam Á, Grab ký thỏa thuận với hãng hàng không Vietjet và công ty startup Swift247 của Việt Nam triển khai giao hàng nội địa. Trước đó, Grab có hợp tác với Singapore Airlines hay Vietnam Airlines nhưng chỉ dừng lại ở việc đặt vé máy bay.

Liên tiếp thành công trong các vòng gọi vốn, Grab đang nhanh chân hơn các đối thủ trong khu vực như GoJek hay địa phương như Be - Ảnh: Grab
Liên tiếp thành công trong các vòng gọi vốn, Grab đang nhanh chân hơn các đối thủ trong khu vực như GoJek hay địa phương như Be - Ảnh: Grab

Trong thông cáo báo chí, Grab cho biết hợp tác với Vietjet nhằm xây dựng các giải pháp kết nối giữa đường bộ và đường hàng không cho khách hàng Đông Nam Á, đồng thời triển khai dịch vụ giao nhận hàng hóa siêu hỏa tốc tại Việt Nam.

Trong đó, startup giao nhận Swift247 có chức năng cập nhật chặng đường hàng hóa duy chuyển để khách hàng theo dõi trên website và ứng dụng điện thoại thông minh. Grab cho biết, sắp tới sẽ tích hợp Swift247 lên trên ứng dụng của mình. Trước đó, để hợp thức hóa dịch vụ thanh toán phi tiền mặt, Grab cũng hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca. Ứng dụng của Moca ngay sau đó cũng được tích hợp vào Grab.

"Đây sẽ là bước đi mới nhất trên con đường trở thành một “Consumer Airline”, cung cấp mọi dịch vụ mà khách hàng mong muốn của Vietjet”, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo nói trong thông cáo báo chí. Vietjet hiện có hơn 400 chuyến bay mỗi ngày, 129 đường bay phủ khắp khu vực châu Á.

Ảnh: Bảo Zoãn
Ảnh: Bảo Zoãn/ Tạp chí Nhà Quản Lý

Chúng tôi tin rằng hợp tác chiến lược với Vietjet và Swift247 sẽ là tiền đề để Grab đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa với Sovico, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết.

Theo thống kê của Grab, đến tháng 12.2018, số lượng đơn hàng GrabExpress trên ứng dụng Grab đã tăng trưởng gấp 28 lần so với năm 2016.

Chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 21% GDP, thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Điều này giảm khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và tăng chi phí đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng hàng hóa của Việt Nam.

Dâng Phạm

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Vietjet bắt tay cùng Grab" tại chuyên mục Khoa học quản lý.