Xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm thời điểm cuối năm 2021 đang là một việc nan giải nhưng vẫn phải quyết liệt.

Vũ Hoàng

28/12/2021 21:39

Hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thực phẩm chức năng...luôn là nhu cầu tối cần thiết của tất cả người tiêu dùng đặc biệt là vào dịp cuối năm và ngay lúc dịch COVID-19 đang sắp bùng phát lần nữa. Liệu các cơ quan chức năng sẽ đương đầu kiểm tra xử lý như thế nào trong thời gian ngắn trước thềm năm mới và xuân Nhâm Dần 2022 ?

Từ lâu thực phẩm "bẩn" là một trong các kênh siêu lợi nhuận của các đối tượng sản xuất, kinh doanh bất chính. Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại thuộc lĩnh vực thực phẩm, đồ uống gây ra tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Cuộc chiến và kết quả giữa một bên là quyết liệt phòng chống một bên là ngoan cố, tinh vi sẽ như thế nào ? Tạp chí điện tử Nhà quản lý đã có các ghi nhận sau đây.

Hà Nội, gần 10.000 sản phẩm "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang" hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa, làm mát gan dù chưa có đăng ký bản công bố sản phẩm vẫn bán "ầm ầm" đã bị tạm giữ.

Sau một thời gian trinh sát, nắm tình hình địa bàn, sáng 27/12, Đội QLTT số 16 – Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp cùng Đội 4 – Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP. Hà Nội) tiến hành đột kích bất ngờ trụ sở Công ty TNHH TM và sản xuất thực phẩm Ích Khang tại số 28 đường Nguyễn Đức Thuận, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm nước giải khát dấm táo có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

san-pham-lau1-1640698396.jpg
Gần 10.000 sản phẩm nước giải khát dấm táo có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm bị thu giữ để xử lý.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật đối với sản phẩm "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang". Mặc dù chưa có đăng ký bản công bố sản phẩm, nhưng công ty vẫn làm bảng báo giá sản phẩm cho các đơn vị bán lẻ với mức giá là 40.000/chai 650ml và 27.000/chai 375ml.

Theo đại diện Đội 4 – Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP. Hà Nội, qua đấu tranh tại chỗ, quản lý công ty là ông Nguyễn Hà Trung khai nhận sản phẩm đang được công ty dự định phân phối bán ở TP.Hà Nội, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

ha-noi-thu-giu-gan-10000-san-pham-nuoc-giai-khat-vi-pham-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-1640698396.jpg
Quảng cáo sản phẩm "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang" trên thị trường có tác dụng hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa, làm mát gan để thu hút đông người mua khi chưa được duyệt công bố sản phẩm là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Đáng chú ý, để tăng sức hút, chủ cơ sở còn quảng cáo sản phẩm "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang" trên thị trường có tác dụng hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa, làm mát gan để thu hút đông người mua. Thực tế, quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm này vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ gần 10.000 sản phẩm thương hiệu "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang" đang lưu giữ tại trụ sở công ty, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.

11.500 Hộp thực phẩm chức năng cùng mỹ phẩm bị thu giữ tại Phú Yên đang vận chuyển hướng Bắc-Nam đều là hàng hóa không chứng từ. Tổng giá trị ước tính hơn 5 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc.

Sau nhiều ngày theo dõi mật phục của công chức Đội QLTT số 1, ngày 27/12/2021 Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) tổ chức dừng và khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 89H–002.81 do ông Nguyễn Văn Trọng, SN 1987 thường trú tại  Ngọc Long, Yên Mỹ, Hưng Yên trực tiếp điều khiển theo hướng Bắc - Nam.

28-dec-2021-034733-gmt28-dec-2021-034732-gmtmpp-1640699361.jpg
11.500 hộp thực phẩm chức năng; 665 hộp mỹ phẩm, 90 bình giữ nhiệt, 400 hộp răng giả bằng nhựa, 268 kg vải, quần áo đã qua sử dụng và nhiều thiết bị, đồ dùng khác với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm, Lái xe không cung cấp được hóa đơn.

Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 11.500 hộp thực phẩm chức năng; 665 hộp mỹ phẩm, 90 bình giữ nhiệt, 400 hộp răng giả bằng nhựa, 268 kg vải, quần áo đã qua sử dụng và nhiều thiết bị, đồ dùng khác với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng.

Tại thời điểm kiểm, Lái xe không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn nạn thực phẩm "bẩn", nguyên nhân và cách khắc phục

Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng chính cho con người, đảm bảo cho cơ thể hoạt động và phát triển bình thường. Thế nhưng đây cũng là nguồn lây bệnh tiềm ẩn nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn về nguồn gốc và chất lượng. Hiện nay, vấn nạn về thực phẩm bẩn là đề tài rất thu hút và được hầu hết mọi người quan tâm.

Có thể hiểu đơn giản thì thực phẩm bẩn là thực phẩm đã bị ô nhiễm, hư hỏng, biến chất theo một hay nhiều cách khác nhau, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. Các ô nhiễm, hư hỏng biến chất có thể là: chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh; nhiễm kim loại nặng, độc tố và các loại vi khuẩn, virut gây bệnh; không đảm bảo đủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm,…Và theo Hiệp hội ung thư Việt Nam, thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư và chiếm tới gần 40% trong số các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

van-nan-thuc-pham-ban-dau-la-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-nhu-the-nao-1-min-1640701811.jpg
Ảnh minh họa: Người tiêu dùng hoang mang trước thực phẩm bẩn

Vậy tạo sao chúng vẫn được lưu thông và kinh doanh tràn lan trên thị trường, ta thấy thường do 3 nguyên nhân chính trong đó có cả do một phần từ người tiêu dùng:

  • Để nâng cao giá trị lợi nhuận, không ít đối tượng sử dụng nguyên liệu đã hư hỏng ngâm rửa trong hóa chất để chế biến thực phẩm, bán ra thị trường.
  • Xuất phát từ nhận thức và sự hiểu biết của người tiêu dùng về các mối nguy trong thực phẩm còn hạn chế.
  • Công tác quản lý, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng như tác hại của thực phẩm chưa được tốt.

Từ những nguyên nhân và tác hại trên, để tránh thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường ngoài trách nhiệm của các ban ngành chức năng qua công tác quản lý nhà nước và chế tài của pháp luật ban hành thì chủ đạo vẫn là người tiêu dùng vì có cầu mới có cung 

Hãy là người tiêu dùng thông minh, cần thay đổi tư duy tiêu dùng "bắt mắt, rẻ, đẹp, nhiều" hãy thường xuyên cập nhật thông tin về an toàn thực phẩm trên truyền hình, báo chí để từ đó có cái nhìn chính xác hơn trong việc lựa chọn thực phẩm.

Ngoài ra, nên chọn mua thực phẩm ở những nơi cung cấp uy tín, đáng tin cậy, sản phẩm có bao bì, nhãn mác đầy đủ.

Vũ Hoàng