Bài học lịch sử "Khoan thư sức dân" bị gãy đổ qua "chuyến bay giải cứu"

Tiến sĩ Hoàng Minh Khôi

26/07/2023 07:24

“Khoan thư sức dân” chính là tích luỹ nguồn lực, nuôi dưỡng rường cột, bảo vệ nguyên khí mới thật sự là sách lược “sâu gốc, bền rễ” vẹn toàn của quốc gia. Thật đáng tiếc cho hàng trăm quan quyền, tướng tá bị xử lý thời gian qua, vì đã có lúc quên đi bài học lịch sự mà “gãy đổ”.

Sử sách ghi rằng: vào tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách nên thế nào?”. Ông đã nói: “Thần nghĩ rằng ta thắng giặc dữ là do trên dưới đồng lòng… Vì vậy, khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách giữ nước”[1]. Một đại công thần với bao võ công hiển hách như Hưng Đạo Vương, lúc sắp qua đời mà vẫn còn nặng lòng về “khoan thư sức dân” - thật khiến muôn đời sau ghi tạc ơn đức, kính phục tấm lòng vì dân, tận trung báo quốc.

khoan-thu-suc-dan-nghia-la-gi-khoan-thu-suc-dan-la-cua-ai-1690182141.jpg
Một đại công thần với bao võ công hiển hách như Hưng Đạo Vương, lúc sắp qua đời mà vẫn còn nặng lòng về “khoan thư sức dân” - thật khiến muôn đời sau ghi tạc ơn đức, kính phục tấm lòng vì dân, tận trung báo quốc. (Ảnh minh họa)

Ôn cố tri tân – xem chuyện xưa để soi chiếu chuyện nay mới thấy còn nhiều việc hổ thẹn với tiền nhân: Một trận đại dịch Covid hoành hành như cuồng phong vây bủa, đột ngột trùm ụp lên cuộc sống của trăm triệu người dân trên mọi miền nông thôn, thành thị. Lao động mất việc, trẻ thơ mất trường, bệnh nhân mất bệnh viện… Và, dù rằng bộ máy chính quyền trên dưới, lực lượng thiện nguyện xã hội còn bàng hoàng, lúng túng trong cơn “sóng thần” đại dịch chưa có tiền lệ ấy, vẫn phải xông pha chống đỡ, chia sẻ sự sống và cái chết cùng bao số phận nghiệt ngã - thì thừa cơ hội ấy lại có những vị tướng tá, quan quyền chớp thời cơ nặn bóp dân đen.

Chỉ với vài dung dịch, hoá chất vớ vẩn, dưới bàn tay những kẻ giả danh “áo blu trắng” đong đếm, dán nhãn và hô “biến” thành những sinh phẩm xét nghiệm covid, lại còn được cả một Hội đồng khoa học hợp pháp với trang bị “tận răng” các học hàm, học vị, cùng truyền thông chứng thực cho hàng triệu sinh phẩm mạo danh đó “hoá rồng” trở nên bộ kit test có xác nhận chất lượng từ tổ chức y tế quốc tế (Điều khôi hài là, trong khi “sản phẩm siêu nhiên” của Công ty Việt Á được quảng bá thổi phồng sắp xuất khẩu hàng chục triệu bộ sinh phẩm “made in VN”, thì nhiều vị lãnh đạo Nhà nước vẫn đang ngược xuôi các nước phát triển đề nghị được mua và cứu trợ bộ xét nghiệm, vắc-xin chống dịch của họ).

Những bộ xét nghiệm giả danh đã được thực nghiệm trên hàng triệu người dân và hệ quả của nó thì ai cũng biết rồi: đến nay còn chưa thể thẩm định và thống kê được số nạn nhân bị lừa gạt, bị chiếm đoạt tiền và bị thiệt hại cả tính mạng do tác động dây chuyền từ kit test Việt Á cụ thể là bao nhiêu, tác hại hậu “dư chấn” đến sức khoẻ, thần kinh, tâm lý xã hội phái sinh thế nào là còn chưa thể đo lường. Thế nhưng, số tiền mà những quan quyền, tướng tá “đầu cơ cơ hội” của trung ương và địa phương, cùng Việt Á chiếm hưởng được từ tiền thuế, tiền dành dụm của người dân đã là cả ngàn tỷ đồng.

Ấy là chuyện của cấp cao, còn chưa kể đến bao nhiêu chuyện thường ngày “cười ra nước mắt” ở cấp cơ sở từ những người dân, người lao động ở khu công nghiệp, công sở, xí nghiệp đến các khu cách ly, nhà riêng than thở mỗi sáng xếp hàng để ngoáy mũi tét dịch bằng kít test Việt Á muốn tét luôn hai lỗ mũi, đau thốn óc đến phát sốt dù không dính vi rút; trái lại, người nhiễm dịch thì kit test báo chỉ số an toàn (?!); Hoặc, đại loại câu chuyện về anh thợ hồ mua bánh mì mang theo, nhưng bị chặn giữ không cho vào nơi làm, vì “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”...

Hơn trăm quan quyền, tướng tá liên quan trong đại án Việt Á đã bị phát hiện, bị xử lý trách nhiệm kỷ luật nghiêm khắc. Phần lớn trong số họ tiếp tục chờ ngày phán xử hình sự.

Dân trong nước bị bọn lừa gạt, dù gì vẫn còn “chốn dung thân” ở chính quyền, xã hội, gia đình; nhưng, con dân ngoài nước thì bắt buộc phải bị cướp bóc mới là điêu đứng – đó là thảm cảnh của hàng trăm ngàn con dân Việt ra nước ngoài lao động, học tập, du lịch lỡ kẹt không về kịp trong can qua đại dịch. Trong cảnh sinh tử khó lường, ai cũng hoài nguyện được trở về trong lòng quê hương, đoàn tụ người thân, gia đình. Chính nguyện vọng chính đáng và nhân văn ấy đã trở thành “tử huyệt” của người dân xa xứ và cũng sẽ là “bầu sữa” để những quan quyền, tướng tá và doanh nghiệp “đen” đầu cơ cơ hội, lợi dụng chính sách đúng đắn của Nhà nước để kết bè, kéo cánh với nhau bóp nặn đến cạn đáy những đồng tiền mồ hôi, công sức lao động những con dân ấy trong một chiến dịch cấp quốc gia, dưới cái tên “chuyến bay giải cứu”! Mỗi con em dân Việt hồi hương đã phải nộp tiền “vé một chiều” – cái giá cho sự giải cứu nhân từ ấy ít thôi – khoảng trăm triệu đến vài ba trăm triệu đồng (!!!).

Trong những ngày này, đang diễn ra phiên toà xét xử hình sự của Toà án nhân dân TP Hà Nội đối với 54 bị cáo trong đại án những “chuyến bay giải cứu”, chủ yếu gồm hai nhóm tội danh: “Đưa hối lộ” (23 bị cáo) và “Nhận hối lộ” (21 bị cáo). Chỉ mới có vài chục chuyến bay, mà số tiền chiếm đoạt từ người lao động về quê đã là hàng trăm tỷ đồng và nhiều triệu ngoại tệ. Câu hỏi là: các chuyến bay một chiều đã thu được nhiều tiền là do người lao động tại nước ngoài có thu nhập cao (?). Đúng và không đúng. Đúng là giá thành công lao động phổ thông ở nước ngoài cao hơn lao động phổ thông trong nước. Không là: không phải mọi người về đều là lao động, làm công, còn gồm cả nhiều người du lịch, người đi học, người thăm thân. Đối với người lao động thì hầu hết thu nhập hàng tháng phải gửi về gia đình, chi trả khoản chi phí, đầu tư lúc ban đầu để được ra nước ngoài làm việc (có người chỉ mới sang được ít ngày, chưa có thu nhập); cùng với chi phí đắt đỏ ở nước sở tại; chi phí cho thời gian xếp hàng, trực chờ được mua vé của “chuyến bay giải cứu”;… Vì vậy, số tiền phải nộp cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, có thể là tất cả số tiền dành dụm còn lại của họ. Trong đó, nhiều trường hợp phải vay mượn người quen còn ở lại; nhiều người, có gia đình trong nước phải vay “lãi nóng” gửi qua mới đủ tiền mua vé về. Trong đại án này, chúng ta chỉ mới điều tra về hiện trạng của kẻ chiếm đoạt, nhưng chưa điều tra đầy đủ tình cảnh của người bị chiếm đoạt.

Trong cơn ly loạn của đại dịch quốc tế bùng phát, tiền bạc tích luỹ của đa số người lao động vốn như “mành treo trước gió” (bình quân thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng). Chỉ mới qua một tháng dịch, cách ly, ngưng việc, mất thu nhập khiến bao nhiêu gia đình phải trông chờ vào cứu trợ lương thực, thực phẩm từ chính quyền như “nắng hạn chờ mưa”. Đã xuất hiện khá nhiều trang hiệp nghĩa cộng đồng mang tài sản riêng san sẻ người thiếu, kẻ khổ. Chính phủ thắt lưng, buộc bụng trích kho quỹ hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng,… ít ỏi mà thực sự quý giá “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.

Trong khi ấy, các quan quyền, tướng tá “cõi trên” kia, trao nhau yêu thương mỗi lần từ vài trăm triệu đồng đến 5 – 7 tỷ đồng mà nhẹ nhàng như hộp bánh, gói kẹo thay lời xã giao và có người trao nhau như thế đến hàng chục, hàng hai trăm lần… mới ghê chứ! Có vị tướng tá “thành tinh” khi bị khởi tố, bắt giam còn thản nhiên tinh tướng dặn vợ chuẩn bị 3 tỷ đồng trả cho Nhà nước và nói: “Anh đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi anh sẽ về” (Ông này đã nhận tiền ăn chia là 7,6 tỷ đồng). Các bị cáo trong vụ án đã được đề nghị 1 người mức án tử hình và tổng cộng chung khoảng 350 năm tù cho 53 người còn lại.

Ngẫm lại tích xưa Hưng Đạo Vương tấu trình “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách giữ nước!”. Nội hàm “khoan thứ” trong tâm nguyện của ông nên được hiểu là bao dung, bao bọc, nương nhẹ, nuôi dưỡng. Tổng kết chiến tranh và quyết sách giữ nước của ông chính là “trên dưới đồng lòng” – an nguy quốc gia, chính trị có bình ổn hay động loạn được quyết định bởi lòng dân thuận hay nghịch, chính vì “Trời sinh ra dân, không phải sinh ra vì vua. Trời lập ra vua cũng là vì dân”. Dân là nguồn lực, năng lượng cũng là động lực quốc gia và là rường cột dân tộc. Thời bình người dân là lao động tạo ra của cải, thời chiến người dân là chiến sĩ bảo vệ giang sơn “Tĩnh vi nông, động vi binh” là thế! Cho nên, “khoan thư sức dân” chính là tích luỹ nguồn lực, nuôi dưỡng rường cột, bảo vệ nguyên khí mới thật sự là sách lược “sâu gốc, bền rễ” vẹn toàn của quốc gia.

Thật đáng tiếc cho hàng trăm quan quyền, tướng tá bị xử lý thời gian qua, vì đã có lúc quên đi bài học lịch sự mà “gãy đổ”. Từng có bao người vì thiên hạ mà gạt bỏ chuyện cá nhân, nhưng lại có không ít kẻ lấy thiên hạ làm phương tiện cầu lợi bản thân. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu từng thở dài trong cơn giặc giã xâm lăng “Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng/Nỡ để dân đen mắc nạn này!”[2]. Trong cơn dịch giã như giặc loạn, các quan quyền, tướng tá ấy đã không ra sức dẹp loạn, không khoan thứ cho sức dân mà còn dấy thêm loạn để thu vét tiền của con dân, góp phần làm cạn kiệt thêm sức dân, năng lượng nước nhà. Tính “rợ” vài ba năm này dễ có đến ba, bốn trăm quan chức, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp bị tù đày, kỷ luật, cách chức – nhẩm sơ để đạt được vị trí “có màu” trung bình thời gian công tác, học tập phấn đầu bình quân 15 - 20 năm/người, tổng thu khoảng 6000 – 7000 năm, với bao chi phí từ tiền bạc, công sức của bản thân, gia đình, của xã hội, của Nhà nước là tiền đóng thuế của người dân, chưa kể thời gian sống của mỗi người. Thật lãng phí và cũng thật đáng tiếc. Ngẫm ra lại thêm một lần nữa hổ thẹn với tiền nhân!


[1] Lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1976. Tập 1, tr.80.

- Thời đại nhà Trần, bên cạnh Hưng Đạo Vương còn nhiều vị tướng công lao to lớn như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản…

[2] Bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu.

Tiến sĩ Hoàng Minh Khôi