Ban Kinh tế Trung ương thăm nhà máy chế biến nông sản Tanifood Tây Ninh

truongtrivinh

19/11/2018 12:03

Sáng ngày 28.6, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có chuyến thăm và làm việc tại nhà máy chế biến nông sản Tanifood, thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đi thăm nhà máy Tanifood đang trong quá trình xây dựng
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đi thăm nhà máy Tanifood đang trong quá trình xây dựng

Đoàn công tác do Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát làm trưởng đoàn, với sự có mặt của các lãnh đạo trong Ban Kinh tế Trung ương, đại diện tỉnh Tây Ninh và Công ty cổ phần Lavifood, chủ đầu tư nhà máy Tanifood.

Nhà máy Tanifood được đầu tư 1.500 tỉ đồng nhằm xây dựng một nhà máy chế biến rau quả tươi, đông lạnh, sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc có công suất nguyên liệu 150.000 tấn/năm. Nhà máy có diện tích 14 ha.

Việc hỗ trợ nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm lớn. Nhà máy của Lavifood tại Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại nhà máy Tanifood
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại nhà máy Tanifood

Theo ông Đinh Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Lavifood, nhà máy Tanifood cần khoảng 5.000 héc ta diện tích trồng các loại rau củ quả để đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Theo kế hoạch, riêng trong năm 2018, công ty sẽ triển khai trồng 1.100 héc ta, trong đó nhà máy trồng 600 héc ta, còn nông dân trồng 500 héc ta. Công ty sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 7 với các loại cây ăn trái là chủ yếu.

Lavifood đặt mục tiêu sẽ có khoảng 1.000 héc ta cây trồng của người nông dân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Phát biểu tại hội nghị triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân, thành lập hợp tác xã được tổ chức vào đầu tháng 6.2018, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cho biết, Viện sẽ cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm cầu nối để liên kết nông dân và các hợp tác xã cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood đúng và đủ số lượng.

Xây nhà máy mất một thời gian dài nhưng tạo vùng trồng còn mất thời gian dài hơn, ông Đinh Hùng Dũng cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương. Ông Dũng cho biết công ty vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai vùng trồng, điển hình là việc nhập khẩu giống cây chanh dây hiện nay cần phải có giấy phép.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ủng hộ các dự án phát triển nhà máy chế biến nông sản như Tanifood khi hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ủng hộ các dự án phát triển nhà máy chế biến nông sản như Tanifood khi hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ấn tượng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào nhà máy sản xuất và kế hoạch phát triển vùng trồng của Lavifood. Ông đánh giá nhà máy đóng vai trò như hạt nhân, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại tỉnh Tây Ninh, do đó sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để đảm bảo dự án thành công.

Rau quả đang nổi lên là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ mức chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu nông sản, rau quả đã vượt qua gạo, cao su và vươn lên trở thành một trong hai mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất, đóng góp 20% vào kim ngạch xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, xuất khẩu hàng rau quả đạt trị giá 3,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 và 970 triệu đô la Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2018, tăng mạnh 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

truongtrivinh