Bế tắc trong hình dạng của đình chiến

vutuan

02/07/2019 19:00

Tuyên bố đình chiến và nối lại các vòng đàm phán Mỹ-Trung sau cuộc gặp bên lề tại G20 Osaka vừa qua, phản ánh sự bế tắc rõ nét và ý nghĩa ngoại giao lấn át ý nghĩa thực tế.

Tuyên bố đình chiến và nối lại các vòng đàm phán Mỹ-Trung phản ánh sự bế tắc rõ nét và ý nghĩa ngoại giao lấn át ý nghĩa thực tế.

Ngài thuế quan - Donald Trump, tuyên bố rằng ông sẽ có một cuộc gặp bên lề G20 Osaka với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về vấn đề chiến tranh thương mại, điều này phát đi các tín hiệu tốt và cả những thận trọng.

Những người nhìn thế giới như “nửa cốc có nước” thì cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp nhau cũng là một dấu hiệu của hạ nhiệt và thiện chí. Trong khi đó, những người nhìn thế giới như “cốc nước chỉ đầy một nửa” thì cho rằng, còn quá nhiều bất đồng mang tính nền tảng khiến cho cuộc gặp sẽ không thể đi đến kết quả cụ thể nào. Trong một bình luận của mình, tôi cho rằng, kết quả lớn nhất của cuộc gặp đó có thể chỉ là việc hai bên đồng ý nối lại đàm phán.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, có ba kịch bản được đưa ra để dự báo, trong đó, tuỳ theo số lượng kết quả đạt được mà thương chiến Mỹ-Trung được chỉ ra là đạt được thoả thuận;bế tắc leo thang.

Vì vậy, khi cả hai bên tuyên bố đình chiến và nối lại các vòng đàm phán, thì rõ ràng nó rơi vào trường hợp “bế tắc” hơn là đình chiến. Mặc dù hai bên tuyên bố đã đạt được sự đồng thuận với 90% nội dung đàm phán, nhưng 10% bất đồng còn lại và những gì có được từ tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc về kết quả cuộc gặp, có thể thấy nhiều điểm khiến tương lai của thoả thuận dài hạn trở nên ảm đạm chứ không phải sáng sủa.

ĐIỀU THỨ NHẤT

Kết quả cuộc gặp phản ánh sự bế tắc rõ nét, và ý nghĩa ngoại giao lấn át ý nghĩa thực tế. Sự bế tắc thể hiện ở bốn điểm sau:

Không có bất kỳ điều gì cụ thể được đưa ra sau cuộc gặp. Điều này rất khác so với G20 tại Argentina 12.2018 khi mà hai bên xác định được năm lĩnh vực đàm phán với thời hạn đàm phán 90 ngày. Mọi thứ đều có thể lượng hoá. Lần này, kết quả chỉ có vài phát biểu của tổng thống Trump liên quan đến Huawei.

Không có khoản thuế quan nào được dỡ bỏ. Mỹ đã không từ bỏ lập trường kiên quyết của mình trong việc gây sức ép lên Trung Quốc bằng thuế quan, còn Trung Quốc đã không gỡ gạc được thể diện cho ông Tập Cận Bình vì không yêu cầu giảm được thuế quan.

Những biểu đạt về Huawei vẫn căng thẳng. Ông Trump tuyên bố những quyết định về Huawei “được giữ nguyên cho đến cuối (khi hai bên đạt được thoả thuận)” và sẽ nội dung gỡ bỏ trừng phạt cho Huawei cũng mơ hồ: “Chúng tôi đang cho phép (các công ty Mỹ) làm điều đó (bán linh kiện cho Huawei) vì (những cái được cho phép đó) không liên quan đến an ninh quốc gia”.

Sẽ rất mất thời gian để xác định cái gì liên quan đến “an ninh quốc gia” cái gì không. Điều này lý giải vì sao trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump đã gửi tới thế giới một “tín hiệu tích cực” và không đề cập gì đến Huawei, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chào đón các thông điệp về Huawei một cách thận trọng. Cũng có thể, Bắc Kinh không muốn làm sâu thêm ấn tượng về mối quan hệ mật thiết giữa chính phủ và công ty này. Họ không muốn công chúng nghĩ rằng chính phủ đang đi đàm phán cho Huawei.

Trường hợp của Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei đã không được thảo luận trong cuộc gặp.

ĐIỀU THỨ HAI

Tôi cho rằng tương lai đàm phán đầy khó khăn bởi sự xuất hiện của yếu tố “ba không” – không có thời hạn đình chiến cụ thể - nghĩa là thuế quan mới có thể bị áp lại bất kỳ khi nào; không nói rõ thời gian đàm phán cụ thể - nghĩa là việc đàm phán sẽ tuỳ thuộc vào sự cứng rắn của cả hai bên; không nói rõ lĩnh vực đàm phán cụ thể.

ĐIỀU THỨ BA

Nhìn vào tuyên bố của Trung Quốc sau cuộc gặp có thể thấy đàm phán sẽ càng khó khăn vì Trung Quốc không từ bỏ lập trường trong việc thay đổi nội dung đàm phán theo hướng giảm bớt các yêu cầu của Mỹ. Cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” xuất hiện lần đầu tiên sau ngày 13.5 do Lưu Hạc giải thích về lý do vì sao Trung Quốc không thể chấp nhận một thoả thuận vào ngày 10.5 với Mỹ, chủ yếu liên quan đến việc Mỹ đưa ra các yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của Trung Quốc và cách đưa ra yêu cầu không đủ tôn trọng thể diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như chính phủ hiện thời. “Tôn trọng lẫn nhau” sau đó được hiểu là các điều khoản thương mại mà Mỹ đưa ra không được mang tính “bắt nạt” Trung Quốc. Trong tuyên bố của phía Trung Quốc sau hôm 29.6, cụm từ “tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng” đã liên tiếp được nhắc lại: “Chinese President Xi Jinping and his U.S. counterpart, Donald Trump, agreed here Saturday to restart economic and trade consultations between their countries on the basis of equality and mutual respect”.

ĐIỀU THỨ TƯ

Việc không có các tuyên bố cụ thể có thể là một cách giảm áp lực cho ông Tập Cận Bình. Nhưng nó cũng cho thấy toàn bộ nội dung mà Mỹ muốn “tái đàm phán”. Khi hai bên tuyên bố nối lại đàm phán câu hỏi quan trọng là “nếu hai bên đã ra được một bản thảo 150 trang” sau 11 vòng đàm phán vất vả thì bây giờ còn đàm phán thêm điều gì nữa? Việc không nhắc đến lĩnh vực đàm phán cho thấy có thể với Mỹ đó là việc quay trở lại với 150 trang đã bị huỷ bỏ đó chứ không phải là mở ra các nội dung đàm phán mới. Vì thế, triển vọng đạt thoả thuận là rất khó khăn. Bởi chính vì 10% không thống nhất này mà đàm phán đã đổ bể hồi tháng 5.

ĐIỀU THỨ NĂM

Trung Quốc đã thành công trong chiến thuật đình chiến – kéo dài thời gian để chuẩn bị cho những cú shock và tăng tính chính danh cho ông Tập Cận Bình trong đối nội.

Kết thúc cuộc gặp 80 phút, ông Trump vẫn dành những lời đẹp đẽ về mối quan hệ với ông Tập Cận Bình và về triển vọng của đàm phán. Nhưng tôi cho rằng, cuộc gặp này là một sự bế tắc trong hình dạng của đình chiến hơn là một cuộc đình chiến. Nói cách khác, thay vì bật đèn xanh để cấp dưới tiến hành nối lại đàm phán, hai nhà lãnh đạo đã phải dành thời gian để gặp nhau để tự quyết định việc này. Và đó thực sự là điều không cần thiết.

Bài viết: TS. Phạm Sỹ Thành
Ảnh: Bảo Zoãn, Shuttersock

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Bế tắc trong hình dạng của đình chiến" tại chuyên mục Khoa học quản lý.