Cần đảm bảo quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Công Minh

13/04/2023 04:19

Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản với các lý do đã nêu tại Tờ trình số 108 của Chính phủ.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị dự thảo cần làm rõ “công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú” tại điểm b khoản 1 Điều 6.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 45 mới đưa ra quy định về hợp đồng đối với căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), chưa có các loại bất động sản mới khác như: Cửa hàng kết hợp lưu trú (shophouse), căn hộ dịch vụ (serviced apartment)…

Ông Thanh cho rằng, cơ quan soạn thảo phải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ nghiên cứu thiết lập khung pháp lý đối với loại hình bất động sản này để bảo đảm minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, khách hàng, người mua, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc không hợp pháp hóa các sai phạm. Đồng thời, rà soát quy định tại Điều 45 về hợp đồng kinh doanh bất động sản thống nhất với quy định.

vu-hong-thanh-1681282617.jpeg
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban kinh tế nhận thấy quy định về “đặt cọc” là quy định mới, đề nghị làm rõ sự cần thiết, cơ sở đề xuất quy định. Trường hợp cần thiết, chỉ quy định nội dung đặc thù của việc đặt cọc trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, không cần thiết lặp lại quy định của Bộ luật Dân sự.

Liên quan đến quy định về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với quy định như tại dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, sửa đổi quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ mục đích, nội dung, nội hàm, phạm vi của bảo lãnh, để bảo đảm rõ ràng về quyền và nghĩa vụ, ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quan hệ bảo lãnh; đồng thời quy định chặt chẽ các nội dung ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích vốn huy động, tăng cường quyền của khách hàng được tiếp cận thông tin, giám sát tiến độ thực hiện dự án và các quyền hợp pháp khác; bổ sung các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng; tăng cường quản lý nhà nước, quy định các chế tài xử lý vi phạm bảo đảm tính răn đe…

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” chưa phải là giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà… Quy định “bảo lãnh ngân hàng” không thật sự cần thiết mà chỉ làm tăng chi phí, làm tăng giá thành và giá bán nhà ở, không có lợi cho người mua nhà và hầu như chỉ “làm lợi” cho ngân hàng thương mại…

Sau 7 năm thực hiện quy định này đã bộc lộ một số “bất cập, hạn chế”, như: Quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu “phí bảo lãnh ngân hàng” (bằng khoảng 2% giá bán nhà).

264216299-448850866814895-482918986502470668-n-1681289297.jpeg
Việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cần làm rõ quyền, nghĩa vụ và đảm bảo trách nhiệm của các bên.

Cùng với đó chủ đầu tư phải trả “phí bảo lãnh ngân hàng” thường bằng khoảng 2%tổng giá trị tài sản bảo lãnh là dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn nên “phí bảo lãnh” cũng rất cao. Mặt khác, “Phí bảo lãnh ngân hàng” được chủ đầu tư “trả trước” cho ngân hàng nhưng được chủ đầu tư tính vào giá thành làm tăng giá bán nhà ở mà “cuối cùng” thì người mua nhà phải gánh chịu “phí bảo lãnh ngân hàng” (bằng khoảng 2% giá bán nhà).

Hiệp hội nhận thấy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để kéo giảm giá nhà ở. Do vậy, nên rất cần thiết xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở, có lợi cho người mua nhà.

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Không thể bỏ bảo lãnh vì có bảo lãnh vẫn còn không hoàn thành được nghĩa vụ, nữa là bỏ”.

Theo ông Đức, bảo lãnh là bảo đảm cho người dân và quan trọng hơn là chủ đầu tư phải có năng lực thì ngân hàng mới bảo lãnh. 

“Không những không bỏ quy định bảo lãnh mà còn cần tăng cường hơn để thực sự bảo lãnh để người dân yên tâm tuyệt đối. Còn bảo lãnh ngân hàng như bây giờ, người dân vẫn thấp thỏm… Phải quy định chịu trách nhiệm đến cùng, bảo lãnh cả gốc, cả lãi, cả thiệt hại chứ không chỉ bảo lãnh mỗi cái gốc. Cần bảo lãnh vĩnh viễn đến bao giờ người mua nhận được nhà”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Công Minh